Sáng 14-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng tham dự hội nghị trực tiếp tại đầu cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước; Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ; Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Tham dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; Ban Bí thư; Ủy viên Trung ương Đảng...
Tham dự tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM...
Nhận rõ thách thức và cơ hội
Tại điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Thành phố cũng là nơi đặt trụ sở của gần 80 cơ quan, văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế, các văn phòng kinh tế - văn hóa nước ngoài.
Song, TPHCM cũng gặp nhiều thách thức. Trong đó, với bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động to lớn, đặc biệt là sự gia tăng của an ninh phi truyền thống mà đại dịch Covid-19 là một điển hình. Đồng thời, sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của các thành phố trong khu vực ngày càng gia tăng và quyết liệt hơn khi các nước cũng đang tận dụng thời cơ triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Dù vậy, TPHCM cũng ghi nhận nhiều cơ hội trong việc triển khai đường lối đối ngoại của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, đường lối đối ngoại phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; mức độ chuyên nghiệp và thực chất của ngoại giao Việt Nam và đối ngoại TPHCM ngày càng tăng. Trong khi đó, nền ngoại giao Việt Nam và đối ngoại TPHCM luôn sáng tạo, khả năng thích ứng ngày càng cao.
“Bối cảnh phục hồi kinh tế có thể sẽ đặt ra những đề bài khó nhưng cũng sẽ tạo động lực để công tác đối ngoại trở nên sáng tạo”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Trên cơ sở nhận diện những thách thức và cơ hội, TPHCM xác định tiếp tục phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”. Đồng chí khẳng định đây đã và sẽ là kim chỉ nam của TPHCM khi xác định đối tác và ứng biến với các tình huống đối ngoại.
Đối ngoại lấy kinh tế làm trọng tâm
Người đứng đầu chính quyền TPHCM thông tin, sau hơn 45 năm từ ngày thống nhất đất nước, TPHCM đã tạo dựng được mạng lưới quan hệ quốc tế rộng khắp với 53 địa phương hợp tác, kết nghĩa; là thành viên tích cực của nhiều diễn đàn khu vực. Hàng năm, TPHCM đón trên 100 đoàn lãnh đạo nước ngoài và được chọn là nơi tổ chức nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng.
Cùng với đó, TPHCM xác định đối ngoại lấy kinh tế làm trọng tâm, ngoại giao phục vụ mở rộng không gian phát triển, tìm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của thành phố. Do đó, hoạt động đối ngoại phải tiên phong huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển đất nước và thành phố. Đồng thời tiếp tục tranh thủ các đối tác nhằm mở rộng thị trường, thu hút tri thức, công nghệ và đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, đào tạo nguồn lực nhất là trong giai đoạn phục hồi và phát triển hậu Covid-19. “Các mục tiêu đối ngoại phải hướng tới kinh tế, tới doanh nghiệp và người dân hưởng lợi”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Cụ thể, với việc khan hiếm nguồn lực và kênh hợp tác trong thời gian đại dịch đòi hỏi đối ngoại phải được triển khai theo cách thức mới: linh hoạt, tinh gọn, có trọng tâm, chiều sâu và hiệu quả thực chất. Trên tinh thần đó, TPHCM sẽ đẩy mạnh việc phát triển quan hệ với các địa phương trọng điểm, tránh tình trạng nguồn lực bị dàn trải. Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng quan hệ với các đối tác truyền thống, đối tác có nhiều tiềm năng hợp tác.
Về cơ chế, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, TPHCM đang thử nghiệm để nhân rộng các mô hình phù hợp như Tổ công tác chung TPHCM - Ngân hàng Thế giới, Tổ công tác đối ngoại… Các cơ chế này được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hợp tác, triển khai hiệu quả nhất các cam kết quốc tế.
Đồng thời, TPHCM tiếp tục tăng cường kết nối với các địa phương trong nước, nâng tầm hợp tác với mạng lưới các địa phương kết nghĩa quốc tế của mình để cùng khai thác và cộng hưởng giá trị, thúc đẩy tư duy cùng thắng lợi trong quá trình kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.
Song song đó, TPHCM tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tổng hợp các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế phục vụ công tác điều hành và dự báo trong bối cảnh nhiều yếu tố bất định như hiện nay. Đồng thời tăng cường xây dựng và quảng bá hình ảnh của thành phố, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá hình ảnh đoàn kết chân thành, năng động, sáng tạo, tình nghĩa, giàu tiềm năng của thành phố trong giai đoạn phát triển mới.