Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Sáng 18-7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ. Cùng chủ trì có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.
Dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT; Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ TN-MT; Trần Văn Sơn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Cùng dự có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM. Dự còn có các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, các địa phương trong vùng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, trong quá trình phát triển, TPHCM luôn nhận thức rất rõ tầm quan trọng, ý nghĩa và có trách nhiệm trong công tác liên kết vùng. Do đó, trong năm 2023, TPHCM đã tổ chức 5 hội nghị hợp tác giữa TPHCM với một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung bộ, Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng chí khẳng định TPHCM nhất quán quan điểm mở rộng liên kết vùng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, mở rộng không gian đô thị, không gian phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thể hiện vai trò, trách nhiệm “vì cả nước, cùng cả nước” của một trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, giáo dục đào tạo, y tế của vùng và cả nước.
Thủ tướng Chính phủ trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Để triển khai Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, UBND TPHCM đã tham mưu cho Thành ủy TPHCM ban hành 2 chương trình hành động, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ, Chương trình hành động của Thành ủy với 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính với 150 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xác định rõ cơ quan chủ trì và tiến độ triển khai, hoàn thành từng nội dung.
Trong đó, Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ đã được TPHCM hoàn thành và sẽ trình Chính phủ trong tháng 7. TPHCM đã lập tổ công tác xây dựng đề án huy động nguồn lực, tổ chức xây dựng hoàn thành hệ thống metro của thành phố với chiều dài 219 km trước năm 2035. Bên cạnh đó, TPHCM cũng lập tổ nghiên cứu về TOD dọc các tuyến đường vành đai, metro.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đang tập trung công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố, phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển của toàn vùng TPHCM, hướng tới phát triển thành phố trở thành trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia.
Đồng thời là trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế. Ở cấp độ vùng, TPHCM được định vị là đô thị trung tâm của vùng; ở cấp độ thành phố, sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Về cấp độ vùng, quy hoạch TPHCM có vai trò đầu tàu kết nối nguồn lực trong vùng, phát triển các hành lang chiến lược, các cực tăng trưởng kinh tế trong vùng. Dựa trên các yếu tố đặc thù vùng, đặc biệt là thuận lợi về vị trí trung tâm, quy hoạch thành phố có vai trò tích hợp, thống nhất cho hạ tầng giao thông vùng, các chức năng nòng cốt nhằm thúc đẩy, phân bổ hài hòa các khu vực công nghiệp, dịch vụ, kể cả nông nghiệp.
Quy hoạch TPHCM còn có vai trò tối đa hóa khả năng kết nối với các tỉnh lân cận và tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ không chỉ cho thành phố mà còn cho sự phát triển tiềm năng của các khu vực xung quanh. Khi vùng phát triển thì TPHCM cũng phát triển và ngược lại.
Ở cấp độ thành phố, điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đáp ứng các yêu cầu mới trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện khả thi để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy các tiềm năng và giải quyết các vấn đề trong phát triển đô thị hiện nay.
Cụ thể, TPHCM tập trung quy hoạch và phát triển các đô thị theo mô hình “đa trung tâm”, hình thành các “cửa ngõ” kết nối vùng, góp phần hoàn thiện mạng lưới đô thị chức năng trong vùng.
Theo đó, quy hoạch TPHCM sẽ bổ sung các thành phố trực thuộc để gắn kết các hướng phát triển đô thị đa trung tâm với TP Thủ Đức là đô thị sáng tạo - tương tác cao ở phía Đông, Cần Giờ là đô thị sinh thái biển, đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm, đô thị Tây Nam (Bình Chánh) là cửa ngõ với Đồng bằng sông Cửu Long và đô thị Tây Bắc (gồm Củ Chi, Hóc Môn).
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, một trong những điều kiện để sớm hình thành các đô thị theo mô hình đa trung tâm, các cửa ngõ kết nối vùng là phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống metro với mô hình TOD theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, hệ thống giao thông hiện đại đa tầng, giao thông ngầm…
Đồng thời, gắn giao thông công cộng với sử dụng đất để khai thác hiệu quả đất đai, khai thác hệ thống hạ tầng giao thông để mở rộng không gian phát triển đô thị, khu chức năng đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai cho cả vùng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng. Trong đó, TPHCM đề xuất thành lập Quỹ phát triển hệ thống giao thông vùng; thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật vùng và xây dựng mạng lưới bệnh viện tuyến cuối của vùng.
Ra mắt Hội đồng điều phối vùng. Ảnh: VIỆT DŨNG |
TPHCM đề xuất thành lập trung tâm chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vùng hoặc quốc gia; xây dựng trung tâm dữ liệu quy hoạch và kinh tế - xã hội vùng. Cùng với đó, ban hành cơ chế đặc thù vùng như Nghị quyết 98 của Quốc hội cho TPHCM hoặc vượt trội hơn, nhất là các cơ chế về TOD, sử dụng ngân sách địa phương đầu tư phát triển vùng, thu hút nhà đầu tư chiến lược hay phân cấp - ủy quyền cho các địa phương trong vùng.