Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Chuẩn bị kỹ để dự án PPP phải nhanh hơn đầu tư công

Chiều 7-12, kỳ họp thứ 13, HĐND TPHCM khóa X tiếp tục với phiên chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.

Chủ tọa kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu (ĐB) Lê Minh Đức cho rằng việc triển khai 4 chương trình phát triển thành phố gặp khó khăn, chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Các chương trình chưa tạo đột phá, đặc biệt là về hạ tầng. ĐB đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM cho biết nguyên nhân, UBND TPHCM có giải pháp gì chỉ đạo triển khai 4 chương trình này mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, ĐB đặt câu hỏi vì sao TPHCM gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư?

tra-loi-2-610.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trả lời các đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, TPHCM có 49 đề án, đến nay mới cụ thể hóa được 45 đề án. Có 1 dự án chủ trương dừng lại, còn 3 đề án chưa hoàn thành. Qua đánh giá, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận quá trình cụ thể hóa các đề án trên chậm, gặp nhiều khó khăn, chưa đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội như kỳ vọng. Trong khi đó, chính sách thu hút nguồn lực xã hội để triển khai các đề án cũng chưa tốt.

Sắp tới, thành phố tiếp tục thực hiện 3 đề án chưa hoàn thành. Các đề án còn lại tích hợp vào kế hoạch thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Với nguồn lực về ngân sách, trong 2 năm còn lại, TPHCM sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện, đó là hạ tầng, giao thông, đô thị, đặc biệt là hạ tầng số.

Về các danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trên tinh thần Nghị quyết 98, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, thời gian qua TPHCM đã nỗ lực xây dựng danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư nhưng công tác chuẩn bị thiếu đồng bộ, còn những kẽ hở.

“Ví dụ, có những dự án chúng ta thấy có nhu cầu và nêu ra mà chưa rà soát quy hoạch, xem có phù hợp quy hoạch không, đất đai sẵn có hay không, các điều kiện pháp lý khác ra sao…, cho nên khi nhà đầu tư tìm hiểu sâu mất rất nhiều thời gian. Nếu muốn làm thì phải điều chỉnh quy hoạch, giải quyết thủ tục đất đai trong khi các cơ chế cho nhà đầu tư chưa chuẩn bị kịp. Do đó, việc thu hút nhà đầu tư từ 197 dự án chưa đạt kết quả”, đồng chí Phan Văn Mãi nêu thực trạng.

le-minh-duc-5491.jpg
ĐB Lê Minh Đức đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đồng chí, vừa rồi, UBND TPHCM đánh giá lại, Thường trực UBND TP giao Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan rà soát lại, dự án nào có đủ điều kiện điều chỉnh về mặt quy hoạch, đất đai, thủ tục thì giữ. Và xác định trọng tâm trọng điểm để xúc tiến, còn lại thì tiếp tục chuẩn bị thêm.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ các danh mục dự án đầu tư công, tính toán nhu cầu, rà soát quy hoạch và các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 98, UBND TPHCM xác định, sau khi HĐND TPHCM có nghị quyết thông qua thì UBND phải khẩn trương nghiên cứu để ban hành quy trình bộ hồ sơ, thủ tục.

“Làm sao khi triển khai dự án theo hình thức PPP phải nhanh gọn hơn là đầu tư công. Phải tập trung những dự án có thể làm ngay, làm được thì dứt điểm sớm”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Liên quan câu hỏi của ĐB Trần Quang Thắng về trách nhiệm của Chủ tịch UBND TPHCM trong tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, cá nhân đã rất nỗ lực trong việc sắp xếp thời gian để tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân. Tuy nhiên, đồng chí tự đánh giá chưa tròn nhiệm vụ, thời gian dành cho nội dung này chưa đủ quy định, so với khối lượng công việc thì chưa cao. Đồng chí cũng đã cố gắng, có chỉ đạo cả hệ thống tham gia. Thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các cơ quan và ý kiến của mặt trận để có phân nhóm giải quyết và thực hiện giải quyết với mục tiêu thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Đồng thời cho rằng nhiều dự án, chủ trương của thành phố thì đúng nhưng trong quá trình triển khai kéo dài dẫn đến pháp lý thay đổi, nhiều dự án bị vướng. Chẳng hạn, Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, chủ trương xây dựng rất đúng nhưng quá trình triển khai kéo dài, luật thay đổi, dẫn đến bị vướng về mặt pháp lý. Từ bài học đó, đồng chí khẳng định UBND TPHCM sẽ chuẩn bị kỹ quy trình hồ sơ, trên tinh thần đầu tư theo hình thức PPP phải nhanh hơn đầu tư công

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Lê Thị Kim Thúy nêu, qua rà soát số lượng người có nhu cầu thuê nhà ở xã hội rất lớn còn số có nhu cầu mua lại thấp. Vậy UBND TPHCM chỉ đạo về vấn đề thuê nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đến nay như thế nào?

ĐB đặt vấn đề dự án đường Vành đai 3 đang được thực hiện với quyết tâm cao, nhưng hiện thành phố còn nhiều dự án kéo dài 10-20 năm. Vậy là người đứng đầu, Chủ tịch UBND TPHCM đã có những giải pháp gì cho các dự án đó?

db-75.jpg
ĐB Lê Thị Kim Thúy đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM nhu cầu thực về nhà ở của người dân thành phố là rất lớn và số nhà ở thành phố đang xây dang dở hoặc hoàn thiện chưa có người ở cũng rất lớn. Trước băn khoăn của đại biểu về những người có thu nhập thấp không có nhu cầu sở hữu nhà, chỉ muốn thuê nhà, đồng chí cho biết, khi xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở, thành phố cũng đã xác định điều này.

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố sẽ kiên trì kế hoạch phát triển nhà ở, dự kiến 2024 phát triển 8 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó, giữ chỉ tiêu 6.500 căn nhà ở xã hội.

tuyet-diem-1062.jpg
ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chia sẻ thêm, đồng chí cho biết, trong quá trình điều hành, thành phố tập trung rất nhiều cho việc tháo gỡ các dự án, khoảng 1-2 tuần lãnh đạo thành phố lại nghe để tháo gỡ từng dự án và phân nhóm tháo gỡ.

“Nếu tập trung tháo gỡ nhanh thì có mười mấy dự án có thể triển khai trong năm 2024”, đồng chí khẳng định và thông tin thêm, có nhiều dự án nhà đầu tư đăng ký nhưng do thiếu thủ tục, cộng với lợi nhuận không cao nên việc triển khai không sốt sắng. Do đó, thành phố sử dụng quỹ 20% tháo gỡ các dự án đã xong về mặt thủ tục để tháo gỡ, giúp nhà đầu tư triển khai được 17 dự án năm 2024, tập trung nhà ở cho thuê trong khu công nhân lao động có nhu cầu thuê nhà.

Về giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 6-12, TPHCM đã giải ngân đạt 51,2%. Dù xét về tỷ lệ phần trăm thấp nhưng con số tuyệt đối rất lớn. Đây là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị TPHCM. Theo Chủ tịch UBND TPHCM, thời gian tới, thành phố tập trung điều hành chỉ tiêu thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, cố gắng đạt 95% với các dự án thuận lợi và không thấp hơn 80% với những dự án lớn. Đồng thời, tập trung thực hiện các nội dung chi cho khoa học – công nghệ cũng như nâng cao năng xuất lao động. Đồng thời rà soát kỹ quy trình phối hợp, giám sát tiến độ trong công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương.

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, có một số dự án được tập trung quyết liệt nhưng cũng có nhiều dự án kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Một số công trình như đường Lương Định Của, mấy chục mét nhưng làm mấy chục năm chưa xong. Thành phố đã hệ thống lại, phân nhóm, tháo gỡ. Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sẽ chỉ đạo UBND TP Thủ Đức và các quận huyện tập trung giải quyết các dự án trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBND TPHCM thông tin thêm, thành phố chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra 7,5-8%, đây là chỉ tiêu rất cao và thách thức. Tuy nhiên, thành phố đặt mục tiêu cao để tự thách thức mình để phấn đấu. Quá trình chuẩn bị thành phố phân tích có 3 kịch bảng tăng trưởng. Trong đó, kịch bản thuận lợi là đạt 7,13 đến 7,5%-8% là kịch bản thuận lợi. Do đó, thành phố cố gắng và xác định các nhiệm vụ trọng tâm để điều hành, và các giải pháp đột phá kết hợp triển khai Nghị quyết 98.

Thành phố cũng đề xuất chủ đề năm 2024 là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”. Trong đó, về chuyển đổi số thành phố đặt 6 nhiệm vụ trọng tâm và phấn đấu hoàn thành 1 chỉ tiêu kinh tế số chiếm 22% kinh tế thành phố.

Về thực hiện Nghị quyết 98, thành phố tập trung tham mưu để Trung ương ban hành các Nghị định hướng dẫn cũng như triển khai các nghị quyết mà HĐND TPHCM đã thông qua, các cơ chế thuộc thẩm quyền của thành phố. Đặc biệt, thành phố tập trung tham mưu triển khai các cơ chế vượt trội như TOD, đường sắt đô thị…

Năm 2024, TPHCM cũng xây dựng triển khai đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hiệu lực hiệu quả. Trong đó, chuẩn hóa lại nền công vụ, tổ chức bộ máy phù hợp với quy trình, các chính sách phát triển đội ngũ và hiện đại hóa nền công vụ. Thành phố cũng triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Dự kiến đến 2025 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp. Thành phố cũng tập trung cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để tạo sự chủ động, phát huy năng lực của các sở ngành, địa phương.

Tin cùng chuyên mục