Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: Bản thân cũng khó chịu khi nhìn dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng

Chiều 7-12, kỳ họp 13 HĐND TPHCM khoá X tiếp tục chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu (ĐB) Phạm Đăng Khoa (quận 3) chất vấn: Dự án Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng có tiếp tục hình thức đối tác công tư hay không, khi nào sẽ hoàn thành?

Trả lời ĐB, đồng chí Phan Văn Mãi nói lên cảm nhận của chính mình là khi đi ngang dự án này, ai cũng thấy chướng mắt, bản thân đồng chí cũng khó chịu với chuyện này. Về pháp lý, thành phố đã rà soát lại và có thể áp dụng điều khoản chuyển tiếp BT. Tuy nhiên, thành phố đang rà soát để đánh giá lại. Nếu tiếp tục làm thì áp dụng chuyển tiếp theo hình thức BT, sau đó triển khai dự án để có cơ sở vật chất phục vụ Đại hội Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc và cơ bản giải quyết dự án này.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, trên địa bàn thành phố không chỉ có mình dự án này mà còn nhiều dự án khác cũng vướng mắc về pháp lý cần phải rà soát lại. Hiện thành phố đã và đang rà soát giải quyết từng việc. Vừa rồi thành phố vận dụng Kết luận 14 đề xuất sử dụng một số vị trí, thành phố tiếp tục vận dụng Nghị quyết 98 và Kết luận 14 để tạm thời khai thác cơ sở nhà đất chưa sử dụng, qua đó khai thác các vị trí đất vàng đạt hiệu quả hơn.

khoa-8358.jpg
ĐB Phạm Đăng Khoa đặt câu hỏi chất vấn

ĐB Lê Thị Trúc Lâm băn khoăn, dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên được lãnh đạo thành phố rất quan tâm và tập trung. Dự án này cũng như các dự án khác có chung vấn đề lớn cần tháo gỡ là công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư. Theo đó, 63 hộ có thể không thuộc diện được bồi thường nhưng thành phố đang nghiên cứu có chính sách để hỗ trợ họ ổn định sinh kế tái định cư để bà con an tâm bàn giao mặt bằng triển khai dự án. Thời gian qua, thành phố áp dụng hệ số giá đất nên có thể thuận lợi hơn trong giải phóng mặt bằng nhưng với đất nông nghiệp, dù áp dụng hết các chính sách thì giá vẫn thấp hơn so với thị trường.

Trả lời ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cảm ơn bà con cử tri, nhân dân đồng lòng chung sức vượt qua khó khăn giống như giai đoạn phòng chống dịch. “Tôi rất tin tưởng việc này, khi chúng ta đồng lòng chung sức thì khó khăn nào cũng sớm được khắc phục. Rất mong bà con nhân dân cùng với hệ thống chính trị của thành phố chung tay, đồng lòng cùng nhau giải quyết vấn đề khó khăn này", đồng chí kêu gọi.

Về quản lý sử dụng lòng lề đường, đồng chí cho biết, thời gian vừa qua thành phố có nhiều quyết định về nội dung này. Trong đó, Thành uỷ TPHCM có chỉ thị về việc này rất cụ thể, các địa phương cũng có nhiều nỗ lực nhưng đây là vướng mắc thực tiễn của những thành phố đang phát triển, trong đó có thành phố chúng ta, không dễ giải quyết ngay. Tuy nhiên, muốn xây dựng thành phố văn minh hiện đại thì phải xử lý dứt điểm. Quan điểm là không phải cấm mà phải tổ chức, xác định những tuyến đường, khu vực tổ chức hoạt động sinh kế vừa đảm bảo sinh kế an ninh trật tự và mỹ quan đô thị. Vừa rồi, HĐND cũng cho các tiêu chuẩn, định hướng, UBND TPHCM đang chỉ đạo các quận huyện rà soát lại. Hiện thành phố có khoảng hơn 700km đường đô thị vỉa hè rộng 3m trở lên, chúng ta có thể lựa chọn những đoạn nào có thể khai thác phù hợp. Hiện các quận huyện đang rà soát để xác định các tuyến đường có thể áp dụng và thành phố vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa điều chỉnh.

“Chúng tôi yêu cầu đầu năm 2024 tổng hợp để triển khai. Trong đó, chúng tôi sẽ chọn một số địa phương rà soát đăng ký trước để thực hiện trước. Tinh thần chung là tổ chức sắp xếp hài hoà giữa nhu cầu sản xuất kinh doanh, sinh kế, công năng vỉa hè lòng đường với quản lý trật tự, đảm bảo mỹ quan chứ không thiên về thu phí hay cấm đoán để có lòng đường, vỉa hè sạch”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Thanh Hùng về kế hoạch, giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt hiệu quả, Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận năm nay là năm chúng ta kỳ vọng có cải thiện về giải ngân đầu tư công nhưng vẫn còn vất vả, phải nói là xoay trở, ứng phó chứ chưa có sự chủ động. Nguyên nhân giải ngân chậm của các dự án có thể thấy là các dự án chuyển tiếp, hồ sơ pháp lý phải cập nhật, dẫn đến bị động.

“Chúng tôi đã lập tổ công tác, giao ban hàng tháng, cuối năm còn kiểm tra hàng tuần. Một nguyên nhân khác là xuất phát từ các chủ đầu tư. Thời gian tới, thành phố sẽ rà soát và có xem xét trách nhiệm với các chủ đầu tư”, đồng chí khẳng định.

viber-image-2023-12-07-10-51-42-115-7066.jpg
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ điều hành phiên chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về giải phóng mặt bằng, đồng chí thông tin, vừa rồi thành phố tập trung quyết liệt kết quả rất tốt. “Kế hoạch đầu tư công 2024, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ giao thành phố hơn 75.577 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, làm sao để giải ngân được?”, đồng chí trăn trở. Đồng thời cho biết, bên cạnh phát huy các giải pháp hiệu quả năm 2023, sau kỳ họp này sẽ tổ chức hội nghị đầu tư công và phân nhóm. Nhóm nào phải hoàn thành hồ sơ ngay hội nghị cuối năm nay để giao nhiệm vụ; xác định nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, các vấn đề liên quan đến chủ đầu tư để có sự chủ động.

Tin cùng chuyên mục