Ngày 8-1, UBND TPHCM tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2020. Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị.
Cũng trong hội nghị, báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU của Thành ủy TPHCM về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM và Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND TPHCM về công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè, đồng chí Nguyễn Ngọc Tường cho hay, nhiều tuyến đường văn minh đã được xây dựng. Một số quận (quận 1, 5, 9, Bình Thạnh, Tân Bình…) đã sắp xếp một bộ phận người bán hàng rong vào khu vực quy định, kinh doanh theo giờ quy định nhằm giảm bớt tình trạng lấn chiếm vỉa hè; một số quận đã xóa được chợ tự phát. Tuy vậy, loại hình buôn bán hàng rong bằng xe đẩy dưới lòng đường khá phố biến, gây cản trở giao thông. Còn diễn ra tình trạng chạy xe trên vỉa hè; bán buôn trên cầu; đậu xe tràn lan trên đường bất chấp có biển báo cấm dừng, đậu xe…
Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường nhận xét, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa thật sự tôn trọng pháp luật, chưa vì lợi ích chung của cộng đồng. Nhiều người dân có tập quán, tư duy “kinh tế mặt tiền". Trong khi đó, trong chủ quan quản lý, nhiều quận, huyện không có đề án, phương án về quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè. Tình trạng lòng, lề đường phức tạp nhưng đến nay chưa có trường hợp người đứng đầu ở các địa phương nào bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm vì để lòng, lề đường bị lấn chiếm. Công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa kiên quyết, “dễ làm, khó bỏ" nhất là ở cấp phường, xã, gây tâm lý so sánh của người dân hoặc tạo sự nghi ngờ có bao che, bảo kê....
Trật tự giao thông không ổn làm cho trật tự lòng người bất an
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan chia sẻ, TPHCM đã làm rất nhiều việc, tạo chuyển biến về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị nhưng nhìn lại, vẫn “không đi xa được mấy”, vì làm nhiều mà vẫn không theo kịp tốc độ dân số tăng, phương tiện cá nhân tăng, sản xuất kinh doanh tăng…
“Nỗ lực của chúng ta có kết quả, nhưng cảm giác như đường ùn tắc hơn. Trật tự giao thông không ổn làm trật tự lòng người bất an”, đồng chí Võ Văn Hoan trăn trở.
“Thực tế, họ kinh doanh tuyến cố định, đón đưa khách, hàng hóa từ các tuyến miền Tây, miền Đông tới TPHCM rất nhộn nhịp, nhưng lại lách bằng cách sử dụng hợp đồng chở khách du lịch. Dù không được cấp phép thành lập, song các nhà xe vẫn lập điểm lên xuống hàng hóa, đón trả khách. Khi kiểm tra, họ cũng không có sổ sách kế toán, có khả năng ẩn lậu thuế rất lớn, bởi trung bình một xe 30 chỗ có thể mang lại nguồn thu cho nhà xe từ 100-200 triệu đồng/tháng”, Chủ tịch UBND quận 5 chỉ rõ các hành vi.
Ở khu vực trung tâm, chia sẻ về thí điểm lập điểm đón taxi cố định (5 điểm), Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho hay, hiệu quả vẫn chưa đạt, người dân đứng đón taxi ở điểm cố định chưa nhiều, còn tài xế taxi thì vẫn đón khách khắp nơi, có khi đón ngay giữa đường. Trong khi đó, với hơn 45 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú và 2,5 triệu lượt khám chữa bệnh nội trú, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam thừa nhận, trật tự lòng lề đường trước các bệnh viện rất phức tạp. Các điểm giữ xe của bệnh viện thường quá tải, ùn tắc; hàng rong bủa vây trước cổng bệnh viện – vốn là bộ mặt, là thương hiệu của bệnh viện - cứ dẹp được bữa trước, bữa sau lại tái diễn.
Về nhóm giải pháp quản lý trật tự đô thị, quản lý sử dụng lòng lề đường, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu, năm 2020, các sở, ngành, UBND quận-huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm, đồng bộ Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy TPHCM và Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND TPHCM.
“Các đơn vị phải phát hiện và xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị, các hoạt động trái phép trên lòng, lề đường, vỉa hè; xóa bỏ tình trạng chợ tự phát”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở GT-VT TPHCM phải khẩn trương phối hợp, tăng cường công tác quản lý vận tải hàng hóa, vận tải hành khách trong đô thị; thực hiện nghiêm quy định về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè; triển khai việc kẻ vạch sơn, lắp đặt biển báo các khu vực vỉa hè cấm để xe, buôn bán và thông tin rộng rãi để có cơ sở giám sát và xử lý. Công an TPHCM phải tổ chức kiểm tra, rà soát và giải quyết tình trạng ô tô dừng, đỗ không đúng nơi quy định, nhất là tại khu vực trung tâm; ứng dụng khoa học công nghệ để ghi hình, phát hiện và chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm dừng, đỗ xe trái phép. Sở GD-ĐT và Sở Y tế TPHCM yêu cầu trường học, bệnh viện sắp xếp, bố trí khu vực nhà để xe, nơi đưa đón đúng quy định, không để xảy ra việc dừng, đậu xe dưới lòng đường.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng giao Ban An toàn giao thông TPHCM phối hợp kiểm tra, giám sát các quận - huyện có tình hình phức tạp về trật tự lòng đường, vỉa hè hoặc có nhiều phản ánh qua báo đài và người dân để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục; đồng thời kiến nghị xử lý cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm hoặc có biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý, để xảy ra tình trạng lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM VÕ VĂN HOAN: Cần có dịch vụ ăn uống ngay trong trường học, bệnh viện Lâu nay các bệnh viện chỉ lo khám, chữa bệnh và thuốc men cho người bệnh, trong khi thực tế người bệnh và thân nhân có nhu cầu rất lớn về gửi xe, ăn uống. Một số bệnh viện đã có tầng hầm để xe, có căng tin bán hàng chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu việc này được các bệnh viện quan tâm thì vừa tạo được thương hiệu, vừa có thể giảm tình trạng bán buôn hàng rong trên lòng, lề đường. Các trường học cũng vậy, cần phải tổ chức ăn uống khoa học cho học sinh, góp phần giảm hàng rong nhếch nhác trước cổng trường. Đây là cách làm mới, các bệnh viện, trường học cần quan tâm, phối hợp với các địa phương thực hiện, vừa lo bên trong giữ xe, bán đồ ăn cho tốt, vừa đảm bảo bên ngoài cổng được văn minh. Ở đâu đó có thể xấu, có thể lem nhem nhưng trường học, bệnh viện thì phải sạch đẹp. Về tình trạng taxi chạy tới chạy lui chạy xuôi chạy ngược, đụng đâu đón khách đó, cần có nhiều giải pháp lập lại trật tự taxi ở khu vực trung tâm thành phố, bởi đó cũng là lập lại trật tự lòng lề đường. Taxi có thể chạy lung tung, đón khách các nơi, nhưng vô trung tâm TPHCM phải đón khách nề nếp, trật tự. Khách sạn Rex đã có điểm đón taxi rất tuần tự. Các điểm khác như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, điểm có đông người… có thể tổ chức, lựa chọn thành điểm đón taxi, có hãng taxi đứng ra điều phối. Và chủ thể là nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại… có thể đấu thầu, chọn hãng taxi nào đáp ứng yêu cầu, được phép đưa taxi đến đón khách. Đấu thầu không phải để lấy tiền, mà là để chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, đáp ứng yêu cầu về trật tự lòng lề đường, thực hiện nghiêm túc nhất về xe sạch, tài xế văn minh, thương hiệu rõ ràng, đón khách trật tự… Sở GT-VT TPHCM cần nghiên cứu việc vận tải hàng hóa vào ban đêm, giúp ban ngày người dân đi lại bớt khổ. Trước đây, 1 xe tải lớn chở hàng, bây giờ không có xe tải lớn nhưng lại có 5-6 xe tải nhỏ xếp hàng dài chở hàng, phun khói tùm lum, người dân đi đường khổ sở. Vận tải hàng hóa vào ban đêm thì chi phí xăng dầu tăng, chi phí nhân công tăng, nhưng chi phí khác sẽ giảm và đặc biệt là chi phí xã hội sẽ giảm. Giám đốc Sở GT-VT TPHCM TRẦN QUANG LÂM: Chỉ được lưu thông 15 ngày nếu xe vi phạm mà chưa đóng phạt “nguội” Tình trạng xe khách vào trung tâm TPHCM đón trả khách tự phát, hình thành xe “dù”, bến “cóc” đang phức tạp. TPHCM hạn chế theo giờ với xe tải, còn với xe khách thì thành phố chưa khống chế, chỉ hạn chế lưu thông hoặc hạn chế cấm, đậu xe một số tuyến đường. Với tình trạng dừng, đỗ không đúng nơi quy định, giải pháp trước tiên, Sở sẽ thiết lập hệ thống biển báo cấm dừng, đậu xe trên 16 chỗ. Nếu có biển báo mà các xe vẫn vi phạm, trách nhiệm đầu tiên là trên địa bàn quận nào, Chủ tịch UBND quận đó phải chịu trách nhiệm chỉ đạo quyết liệt xử lý. Quý 1-2020, sở phối hợp để hạn chế lưu thông xe trên 16 chỗ ở một số tuyến đường (chẳng hạn như đường Lê Hồng Phong), vào một số giờ. Còn tình trạng một số bến bãi đón khách tự phát, quận, huyện cần xem lại việc sử dụng mục đích đất có đúng không? Chẳng hạn, đường Đinh Bộ Lĩnh, đoạn đối diện Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), có 2 bến “cóc”, địa phương phải xem xét, xử lý. Ở khu vực trung tâm, giống như sân bay, sở sẽ công bố các điểm xe khách, taxi, taxi công nghệ... được đón trả khách. Quận 1 đã thí điểm điểm đón taxi cố định. Hiện nay, sở đã xây dựng tiêu chí để hình thành điểm đón taxi và sẽ quy định theo hướng chỉ đón trả khách ở một số điểm quy định, ngoài ra là cấm hết. Về chế tài xử phạt, TPHCM tăng cường xử phạt “nguội”, gửi biên bản vi phạm về tận nhà và đóng phạt trực tuyến rất thuận lợi. Nếu người vi phạm không chịu đóng phạt, khi đi đăng kiểm, đăng kiểm chỉ cấp giấy lưu hành tạm 15 ngày cho phương tiện, buộc người vi phạm phải đóng phạt mới được đăng kiểm tiếp. Năm 2020 TPHCM chọn chủ đề là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị", sở kiến nghị thành phố phát động phong trào về văn hóa giao thông gắn với trật tự lòng lề đường, vỉa hè. |