Tối 23-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Thường trực Chính phủ, họp trực tuyến với 18 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tham dự tại điểm cầu TPHCM có đồng chí: Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM...
TPHCM đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới
Báo cáo từ điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, hôm nay là ngày thứ 15 TPHCM thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Theo đồng chí, 15 ngày vừa qua là khoảng thời gian rất khó khăn và gian nan với TPHCM, phải căng mình chống dịch.
Về tình hình dịch Covid-19, từ ngày 27-4 đến nay, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM là 46.178 trường hợp. Riêng trong 15 ngày qua (từ ngày 9-7 đến ngày 23-7) đã ghi nhận 40.255 ca mắc Covid-19; trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh. Các ca nhiễm hiện nay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp. Hiện TPHCM đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới, trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO, có 8.468 ca đã điều trị khỏi.
Về hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đã kịp thời triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM. Sau 20 ngày triển khai, TPHCM đã hỗ trợ hơn 310.000 người với số tiền 500 tỷ đồng.
Đánh giá chung một số kết quả đạt được trong 15 ngày vừa qua, theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, công tác xét nghiệm được chuẩn hóa, có trọng tâm, trọng điểm; thời gian trả kết quả đã được cải thiện nhanh và chuẩn xác hơn, qua đó đã kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Việc quản lý các khu cách ly đã đi vào nề nếp; quan tâm, chăm lo tinh thần, vật chất cho người đang thực hiện cách ly tập trung.
TPHCM đã nhanh chóng xây dựng mới hoặc cải tạo các cơ sở thành các bệnh viện dã chiến kịp thời đáp ứng nhu cầu cách ly, điều trị. Hiện có 12 khu cách ly tập trung cấp TP, 345 khu cách ly cấp quận – huyện tổng công suất là gần 54.000 giường; có 36 bệnh viện điều trị với công suất 56.740 giường.
TPHCM cũng khẩn trương huy động nhân lực, trang thiết bị y tế đảm bảo năng lực điều trị cho bệnh nhân, giảm tử vong. Đến nay, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã điều trị cho 208 bệnh nhân thở máy, can thiệp ECMO vượt qua nguy kịch, chiếm 67,3% tổng số ca đang điều trị; chuyển từ tháp tầng 4, tầng 5 sang tầng 2 là 112 trường hợp.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội, TPHCM đã cung ứng hàng hóa kịp thời, kiểm soát tốt giá cả, có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo hỗ trợ người dân tiếp cận hàng hóa được thuận lợi hơn.
Các giải pháp kiểm soát dịch trong 9 ngày tới
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969 ngày 17-7 về thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; cùng với các tỉnh, thành phía Nam, TPHCM tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 9 ngày nữa (đến hết ngày 1-8). “TPHCM quyết tâm phải kiểm soát bằng được dịch bệnh trong thời gian 9 ngày tới”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM đã nêu các giải pháp cụ thể trong 9 ngày tới. Trong đó, TPHCM tập trung giảm số ca F0 và nâng cao năng lực điều trị, giảm thiểu tử vong.
Để giảm các ca F0, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM thay đổi tư duy trong công tác quản lý khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết là không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa. Đồng thời, TPHCM định kỳ đánh giá tình hình khu phong tỏa để kịp thời gỡ phong tỏa từng phần khi đã đủ điều kiện an toàn, từ đó sẽ giảm thiểu áp lực về tâm lý cho người dân và sức lực của các lực lượng kiểm soát.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, để kiềm chế dịch thành công phải kiểm soát thật chặt chẽ khu phong tỏa. Bởi, đây là nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay: quyết liệt, kiểm soát thực hiện nghiêm giãn cách, không để người dân trong khu phong tỏa tiếp xúc với nhau, theo nguyên tắc “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”. TPHCM sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trong khu phong tỏa của lực lượng công an, quân đội. Cùng với đó, phát huy vai trò Tổ Covid cộng đồng tham gia kiểm soát chặt chẽ khu phong tỏa.
Đối với khu cách ly tập trung, TPHCM tiếp tục quản lý tốt các trường hợp F1, không để phát sinh lây nhiễm chéo. Tiếp tục phát huy thế mạnh của test nhanh kháng nguyên; đồng thời đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin tại từng khu phố, ấp và đáp ứng kịp thời xét nghiệm tại nhà cho người có triệu chứng, người có yếu tố dịch tễ.
Hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine trong 2-3 tuần
Về tiêm vaccine để nhanh chóng đạt miễn dịch cộng đồng, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM triển khai hiệu quả kế hoạch tiêm vaccine đợt 5. Trong vòng hơn 2 ngày triển khai đã tiêm được hơn 20.000 liều. “TPHCM kiên quyết hoàn thành kế hoạch tiêm trong thời gian từ 2 – 3 tuần an toàn, hiệu quả, đảm bảo nghiêm các quy định về giãn cách”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Một nhiệm vụ trọng tâm được đồng chí Nguyễn Thành Phong nêu ra là nâng cao năng lực điều trị và giảm thiểu tử vong. Để làm được mục tiêu này, TPHCM khẩn trương triển khai thực hiện cách ly tại nhà đối với F0, F1 theo quy định của ngành y tế. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ F0, F1 tại nhà theo quy định với mục tiêu không để lây nhiễm tại cộng đồng và quan tâm, động viên để làm sao người bệnh có tâm lý tốt nhất và sớm hồi phục sức khỏe.
TPHCM sẽ chú trọng thực hiện tốt công tác theo dõi các F0 tại tầng 1, tầng 2 theo hệ thống 5 tầng điều trị. Trong đó, chú trọng việc hướng dẫn cho người bệnh cùng với nhân viên y tế có thể tự theo dõi sức khỏe bản thân, giúp giảm tải hệ thống y tế.
Cùng với đó, TPHCM nâng cao năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị, nhân lực để đảm bảo luôn làm chủ trong mọi tình huống. Đội ngũ y bác sĩ về hưu, lương y, hệ thống y tế tư nhân, chức sắc các tôn giáo ở địa phương được huy động tham gia công tác phòng chống dịch của địa phương. TPHCM chú trọng phát huy hoạt động của Tổ điều phối nguồn nhân lực, tham gia phòng chống dịch của TPHCM trong việc tăng cường lực lượng hỗ trợ cho địa phương, thực hiện tốt phương châm 5 tại chỗ. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm cấp cứu 115 trong công tác điều phối và vận chuyển bệnh nhân kịp thời, giảm tử vong.
Đánh giá lại mô hình hoạt động chợ truyền thốngĐồng thời với giãn cách xã hội, TPHCM triển khai nhóm các giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, tiếp tục chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. TPHCM sẽ đánh giá lại các mô hình hoạt động của chợ truyền thống hiện tại trong điều kiện có dịch và nghiên cứu, đề xuất lộ trình từng bước mở lại hoạt động chợ an toàn. Để đảm bảo sản xuất an toàn, TPHCM tiếp tục thực hiện phương châm “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”. |