Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, từ những năm 80 trở lại đây, dưới tác động mạnh mẽ của khoa học - công nghệ (KH-CN) hiện đại, đặc biệt công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano..., nền kinh tế thế giới đang biến đổi sâu sắc và phát triển toàn diện, chuyển từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của kinh tế thế giới, được nhiều quốc gia lựa chọn làm chiến lược phát triển, điển hình như: Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật Bản, Singapore, Australia… nơi các yếu tố của nền kinh tế tri thức ở mức khá cao, trong đó các ngành công nghiệp dựa trên tri thức đã đóng góp trên 40% GDP; và đang hình thành tại một số quốc gia đang phát triển như: Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan…
Trong thời gian qua, TPHCM đã thành lập và phát triển Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm ươm tạo chuyên về trí tuệ nhân tạo, công viên KH-CN tại khu công nghệ cao, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán… Riêng khu công nghệ cao, đến nay đã thu hút 162 dự án với tổng mức đầu tư hơn 7,65 tỷ USD, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao năm 2020 đạt hơn 20 tỷ USD, năng suất lao động bình quân gấp 20 lần năng suất lao động bình quân của thành phố, thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia mạnh về công nghệ như: Intel, Samsung…
“Là địa phương đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số. Ban hành chương trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh với 4 trụ cột: kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở; trung tâm điều hành đô thị thông minh; trung tâm mô phỏng dự báo phát triển kinh tế - xã hội; và trung tâm an ninh, an toàn thông tin thành phố. Thành phố thông minh sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố; đồng thời, thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghệ cao và tạo động lực cho tăng trưởng nhiều ngành”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Đặc biệt, TPHCM đang nghiên cứu lập, xây dựng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông gắn với việc thành lập thành phố Thủ Đức. Khu vực này kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp, là đòn bẩy và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Dự kiến sau khi thành lập và đi vào hoạt động, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TPHCM, chiếm khoảng 7% GDP cả nước.
1. Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo lập một khuôn khổ pháp lý mới phù hợp với sự phát triển nền kinh tế tri thức; cần thiết xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
2. Tập trung phát triển mạnh nguồn lao động chất lượng cao, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài.
3. Tăng cường năng lực KH-CN quốc gia để có thể tiếp thu, làm chủ, vận dụng sáng tạo các tri thức KH-CN mới nhất của thế giới cần thiết cho phát triển của đất nước, từng bước sáng tạo công nghệ đặc thù của đất nước, xây dựng nền KH-CN tiên tiến của Việt Nam.
4. Đầu tư phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
5. Ban hành các cơ chế, chính sách để hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN và đổi mới sáng tạo.
6. Không ngừng cải cách, đổi mới để đảm bảo vai trò dẫn dắt, quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Cần có cơ chế đặc thù để các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm phát huy vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo.
7. Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực, kết hợp nội lực để bắt kịp xu thế phát triển KH-CN tiên tiến, phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa lực lượng sản xuất của đất nước.