- Phóng viên: Thưa đồng chí, sau 30 ngày giãn cách, đồng chí có thể cho biết vấn đề trọng tâm hiện nay TPHCM đang tập trung là gì?
Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: 30 ngày vừa qua có thể nói là khoảng thời gian rất khó khăn và gian nan mà TPHCM đã và đang phải trải qua; cả hệ thống chính trị, nhất là lực lượng tuyến đầu cùng toàn thể người dân TPHCM đang căng mình chống dịch, trong đó có sự hỗ trợ, chia sẻ rất lớn từ Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan trung ương và địa phương trong cả nước.
Hiện nay, những nỗ lực của TPHCM đã có những tín hiệu tích cực sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách ở các cấp độ (trong đó có 1 tháng giãn cách theo Chỉ thị 16), được Chính phủ, Bộ Y tế đánh giá là đã đi đúng hướng và có hiệu quả. TPHCM đã dần kiểm soát được số ca mắc Covid-19, tốc độ tăng F0 bình quân/ngày đã giảm, hệ số lây nhiễm cũng đã giảm đáng kể ở mức 0,78 (trong khi thời điểm đầu tháng 5-2021 là 3-3,5; đầu tháng 7-2021 là 1,7-2), số F0 được điều trị thành công ngày càng nhiều cho thấy việc thực hiện Chỉ thị 16 đã có hiệu quả và dịch bệnh đang được kiểm soát. Dù vậy, biến thể Delta với tốc độ lây lan nhanh, mạnh, nguy hiểm đã làm dịch bệnh "thấm sâu" vào cộng đồng và tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM vẫn còn diễn biến rất phức tạp, có thể kéo dài.
-Cụ thể vấn đề an sinh xã hội đối với những người dân có hoàn cảnh khó khăn được TPHCM thực hiện ra sao?
Chúng tôi rất thấu hiểu với những nỗi gian truân mà người dân đã gặp phải trong thời gian siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội. Chia sẻ từ tấm lòng, đồng thời là thực hiện trách nhiệm đối với người dân, trong tháng 7-2021, TPHCM đã chi hơn 514 tỷ đồng hỗ trợ người dân từ nguồn ngân sách TPHCM. Cùng với đó là sự chung tay từ cộng đồng người dân, doanh nghiệp ở TPHCM, sự tương trợ từ các tỉnh, thành trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài cho công tác phòng, chống dịch và chăm lo cho người dân (tổng kinh phí, hàng hóa hỗ trợ đến nay là hơn 2.220 tỷ đồng).
Tôi cũng vừa ký Quyết định thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, trong thời gian 5 ngày (từ ngày 6 đến ngày 10-8), TPHCM tiếp tục triển khai khẩn trương gói hỗ trợ thứ 2 với quy mô dự kiến khoảng 900 tỷ đồng, hỗ trợ gần 334.200 lao động tự do, gần 52.600 hộ nghèo, 38.000 hộ cận nghèo và khoảng 170.000 hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực phong tỏa…
Thực tế trong quá trình triển khai hỗ trợ, số lượng đối tượng được hỗ trợ đã tăng lên rất nhiều và thời gian hỗ trợ cũng được kéo dài thêm ở đợt giãn cách lần này. Tuy vậy, TPHCM chỉ đạo vẫn tiếp tục hỗ trợ cả trong trường hợp kinh phí vượt dự kiến. Để việc hỗ trợ sớm đến tay người dân, phải cần có trách nhiệm rất lớn của chính quyền và MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. Nếu để người dân rơi vào hoàn cảnh cùng cực, thiếu đói, thiếu mặc thì người đứng đầu của chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TPHCM.
- TPHCM đã khuyến khích sự chung tay, chia sẻ từ cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít nhóm tình nguyện, từ thiện vẫn gặp khó khăn khi đi lại trên đường đến hỗ trợ người dân khu vực cách ly, phong tỏa. Đồng chí vui lòng cho biết giải pháp tháo gỡ, giúp các nhóm từ thiện thuận tiện làm điều tốt trong lúc này?
Một trong những giá trị tốt đẹp của TPHCM là Thành phố nghĩa tình; TPHCM luôn khuyến khích các tổ chức từ thiện, các nhóm từ thiện, người làm từ thiện chung tay, góp sức cùng với TPHCM chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn. Người làm từ thiện vẫn có thể lưu thông trong thời gian giãn cách để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn chứ TPHCM không cấm đoán, xử phạt các trường hợp này. Trên thực tế, có thể có nơi này nơi khác, cách làm, cách hiểu khác nhau dẫn tới một vài trở ngại không đáng có, nhưng thực chất TPHCM luôn khuyến khích và kêu gọi người dân tích cực hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, nhất là trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chỉ có điều, hoạt động thiện nguyện tự phát cũng dễ tiềm ẩn nhiều rủi ro về lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, mất an toàn cho bản thân người làm từ thiện và cộng đồng. Như đã nói ở trên, TPHCM đã thiết lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM là đầu mối chịu trách nhiệm. Hiện nay, các cá nhân, tổ chức có thể thông qua Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu để thực hiện việc đóng góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
- TPHCM có không ít người lao động từ các tỉnh đến sinh sống, làm việc, học tập. Để mọi người an tâm “ai ở đâu thì ở đó”, TPHCM có sự hỗ trợ như thế nào?
Lực lượng lao động ở các tỉnh, thành trong cả nước đang sinh sống và làm việc tại TPHCM đã và đang có sự đóng góp và có vai trò quan trọng vào sự phát triển của TPHCM. Chúng tôi xác định tất cả mọi người sinh sống trên địa bàn TPHCM cũng đều là người dân của thành phố này. Do đó, mọi người dân sinh sống trên địa bàn TPHCM, khi khó khăn có thể liên hệ qua Cổng thông tin 1022 hoặc đường dây nóng của địa phương để được hỗ trợ.
Trong 2 tuần giãn cách đầu tháng 8-2021, Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu dự kiến phát hơn 266.000 phần an sinh xã hội hỗ trợ người dân (gồm một số lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và tiền mặt, trị giá 500.000 đồng/phần).
Ngày 8-8, Bộ Tư lệnh TPHCM cũng đã tổ chức Lễ xuất quân thực hiện chiến dịch cao điểm trao tặng 100.000 phần quà giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Gói hỗ trợ lần 2 của TPHCM cũng sẽ hỗ trợ ngay 1,5 triệu đồng đối với người lao động tự do, các hộ gia đình ở trọ có hoàn cảnh khó khăn.
TPHCM dùng mọi nguồn lực từ ngân sách, nguồn vận động của MTTQ, các đoàn thể, từ sự chung tay của người dân, doanh nghiệp và các tỉnh, thành, địa phương bạn, thậm chí từ quỹ dự phòng ngân sách để đảm bảo đời sống của người dân. Tất cả người dân có mặt ở TPHCM lúc này, bất cứ ai gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thì TPHCM đảm bảo cung cấp cho người dân trong những ngày giãn cách.
Đồng thời, TPHCM cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng và hẳn nhiên là không có sự phân biệt khi tiêm chủng. Chúng tôi mong người dân cứ an lòng ở lại TPHCM và TPHCM không để ai rơi vào hoàn cảnh đói ăn, khốn khổ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tôi rất hoan nghênh người dân TPHCM đã có ý thức tốt, nhiều tổ dân phố, khu phố, nhiều tuyến đường con hẻm, nhiều xã, phường, thị trấn có tinh thần tự quản, lập ra các chốt bảo vệ vùng xanh, thực hiện nghiêm giãn cách. Qua đó, nhiều vùng xanh được bảo vệ và mở rộng. TPHCM đang thực hiện giãn cách triệt để và tập trung nhiệm vụ quan trọng nhất là điều trị, cứu người. Vẫn biết rằng thời gian giãn cách kéo dài, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, nhưng nếu không giữ được tính mạng thì những thứ khác có thể sẽ không còn ý nghĩa nữa. Do đó, từ tấm lòng mình, chúng tôi tha thiết kêu gọi và yêu cầu người dân cần nghiêm túc chấp hành quy định giãn cách, ủng hộ chính quyền TPHCM để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Sau khi khoanh vùng, kiểm soát tốt các ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, đảm bảo chắc chắn an toàn cho các vùng xanh và đã tiêm vaccine đủ tạo miễn dịch cộng đồng thì các khu vực này - vùng xanh - có thể sẽ được nới lỏng từng phần. Đó cũng là kết quả xứng đáng với nỗ lực của người dân vì đã nghiêm túc, chủ động trong việc tuân thủ giãn cách, qua đó thúc đẩy thi đua mở rộng vùng xanh, tạo vành đai xanh trên địa bàn TPHCM. Từ đây, nguồn lực của các vùng xanh sẽ được huy động sức người, sức của để lao động, phục hồi sản xuất, thúc đẩy kinh doanh, đóng góp hỗ trợ, tiếp thêm sức mạnh cho TPHCM nói chung và các vùng có nguy cơ cao, rất cao nói riêng tiếp tục chống dịch.
- Vấn đề rất quan trọng hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp điêu đứng vì dịch bệnh lại không có đủ nguồn nhân lực. Đồng chí đánh giá thế nào về vấn đề này?
Chuỗi cung ứng có mối quan hệ chặt chẽ, ràng buộc và không thể tách rời với nhau, bởi chỉ một vài khâu tưởng như không quan trọng, không thiết yếu nếu bị đứt gãy sẽ làm ảnh hưởng đến cả chuỗi mà thực tế đã thấy. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng vào thời điểm nào đó không hẳn do một mình TPHCM có thể giải quyết được. Ví dụ, hàng hóa từ các tỉnh, thành, địa phương khác, thậm chí nguyên vật liệu, hàng hóa được nhập khẩu từ biên giới, các cảng biển, đường hàng không sẽ chịu sự chi phối, ảnh hưởng của rất nhiều địa phương có liên quan chứ không do TPHCM quyết định. Tuy nhiên, những gì thuộc thẩm quyền của TPHCM, chúng tôi cam kết sẽ quyết liệt chỉ đạo rõ ràng, yêu cầu các đơn vị chức năng phải giải quyết nhanh chóng, chính xác, công khai cho doanh nghiệp đúng thời hạn; nếu không thì sẽ bị xử lý, trước hết là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Hiện nay, với sự tập trung chỉ đạo của TPHCM cùng sự phối hợp, hỗ trợ của Tổ công tác của các Bộ ngành Trung ương, chuỗi cung ứng hàng hóa đang được duy trì ổn định, liên tục kết hợp nhiều kênh bổ trợ cung ứng nguồn hàng như mô hình chuỗi cung ứng linh hoạt của các doanh nghiệp logistics, các mô hình “Siêu thị mini di động” cải tạo từ các xe bus, “Siêu thị mini 0 đồng”, “Chợ Nghĩa tình”, các chuyến xe bán hàng lưu động được tăng cường mỗi ngày và chuỗi các điểm bán lương thực thực phẩm được chuyển đổi công năng từ chuỗi các cửa hàng bán lẻ đã gia tăng ngày càng nhiều điểm cung ứng hàng hóa, thực phẩm cho người dân.
- Phương án “3 tại chỗ” hiện đã bộc lộ một số vấn đề khá rõ, thậm chí có doanh nghiệp từ nơi an toàn, thành nơi lây lan dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh để đảm bảo sản xuất kinh doanh, TPHCM có hướng giải quyết thế nào?
Về nguyên tắc, mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân phải đặt lên trên hết, trước hết. Do vậy, phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 địa điểm” là phù hợp, đúng đắn nếu được tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có phát sinh bất cập, từng khu vực, địa phương, thậm chí từng doanh nghiệp có đặc thù khác nhau vẫn còn có sự tiếp xúc giữa các bộ phận thực hiện “3 tại chỗ” với bộ phận giao hàng, bốc xếp. TPHCM đã ghi nhận các kiến nghị từ các doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM và đã tiếp thu, chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp khắc phục.
Trong tuần này, TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức lắng nghe các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài Khu công nghiệp, khu chế xuất, Khu Công nghệ cao để giải quyết khó khăn, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Bất cứ phương thức nào, miễn đảm bảo tính an toàn, khả thi sẽ được TPHCM xem xét, nghiên cứu thực hiện phù hợp tình hình thực tế, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa không để đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.
- Doanh nghiệp đã chịu rất nhiều tổn thất trong dịch bệnh. Chính quyền TPHCM có giải pháp cụ thể nào trong hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp vượt khó?
Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của doanh nghiệp khi dịch bệnh kéo dài. Chi phí hoạt động tăng cao do thực hiện “3 tại chỗ”, nguy cơ thiếu hụt lao động đặc biệt là các chuyên gia và đội ngũ công nhân lành nghề để đảm bảo vận hành liên tục, khả năng mất đơn hàng hoặc phải đền bù hợp đồng do thực hiện giãn cách là một trong số hàng loạt các thách thức mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp.
Nhận thức được vấn đề này, TPHCM luôn coi cộng đồng doanh nghiệp là một trong những đối tượng ưu tiên cần phải được tính đến khi thực thi bất kỳ một chính sách phòng, chống dịch nào. Nỗ lực và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp là thành tố quan trọng trong sự phát triển của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng. Vì vậy, TPHCM đã có tính toán các giải pháp dưỡng sức, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Nếu có những giải pháp mà TPHCM thực hiện gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, TPHCM cũng mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ vì phải đặt sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, trước hết và không còn giải pháp nào khác khả dĩ hơn.
Vừa qua, thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, Quyết định số 23 của Thủ tướng, TPHCM đã thực hiện giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp đối với gần 101.400 đơn vị, doanh nghiệp với quy mô hơn 2,3 triệu lao động. Số tiền được giảm mức đóng là hơn 1.061 tỷ đồng, giúp doanh nghiệp hỗ trợ người lao động phòng, chống dịch Covid-19. Các doanh nghiệp đủ điều kiện cũng được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Chính phủ cũng đang chuẩn bị ban hành chính sách miễn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. TPHCM sẽ thực hiện ngay khi chính sách được ban hành. Đồng thời, TPHCM tiếp tục lắng nghe phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp. Trong phạm vi thẩm quyền của TPHCM, chúng tôi sẽ nghiên cứu các giải pháp và sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, tái sản xuất kinh doanh để đóng góp nhiều hơn cho TPHCM, cho đất nước. Bên cạnh đó, TPHCM đã chỉ đạo tập trung “phủ” vaccine cho công nhân, người lao động của doanh nghiệp để sớm tạo miễn dịch làm cơ sở, từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại hoạt động.
Dịch bệnh có thể diễn biến còn phức tạp, do đó tôi đề nghị tất cả người dân, doanh nghiệp đồng lòng cùng chính quyền TPHCM thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Trong khi triển khai, không thể tránh khỏi những thiếu sót, doanh nghiệp cũng như người dân có thể đóng góp ý kiến, cá nhân tôi và chính quyền TPHCM luôn cầu thị, lắng nghe, điều chỉnh cho phù hợp. Mục đích cao nhất là làm sao khống chế dịch bệnh sớm nhất có thể, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của người dân, giảm thiệt hại về kinh tế. Các giải pháp có thể thay đổi cho phù hợp tình hình thực tế, nhưng không gì có thể quan trọng hơn sinh mạng người dân vào lúc này. Tất cả cùng nhau quyết tâm, chúng ta sẽ sớm đưa TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!