Gặp khó trong quản lý chung cư
Đánh giá việc chỉ đạo, điều hành của UBND phường, xã, thị trấn năm 2019, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Duy Tân cho hay, nhiều phường, xã, thị trấn đã triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, ngày càng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân. TPHCM đã ghi nhận những mô hình, cách làm hay: Tiếp nhận, trả hồ sơ sao y tại nhà trong 1 giờ được thực hiện bởi UBND phường 3, quận 11; mô hình “Bình Thạnh trực tuyến” được cài đặt trên điện thoại thông minh đến tận người dân trên địa bàn, giúp phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự đô thị…
Phác họa chân dung chủ tịch UBND phường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Duy Tân cho biết, đội ngũ lãnh đạo phường có trách nhiệm, năng lực, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin và chú trọng cải cách hành chính (CCHC), đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, khối lượng và áp lực công việc mà Chủ tịch UBND phường phải xử lý là rất lớn. Mặt khác, đối với những phường, xã, thị trấn có tốc độ đô thị hóa cao, vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng và vi phạm trong quản lý nhà nước về sử dụng đất. Nhiều địa phương vẫn còn để xảy ra hồ sơ trễ hạn trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp.
Trong buổi gặp gỡ, đối thoại, các chủ tịch UBND phường cũng đề xuất với TPHCM nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống người dân. Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Chủ tịch UBND phường 10, quận 3 đề nghị TPHCM có thêm các giải pháp thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Trong đó, việc giáo dục ý thức không xả rác, bảo vệ môi trường cho người dân phải có thời gian dài, kiên trì thực hiện, không làm theo phong trào, không “đánh trống bỏ dùi”. Chú trọng công tác xử phạt hành chính hành vi xả rác bừa bãi, Chủ tịch UBND phường 10 Nguyễn Thị Thanh Loan đề xuất TPHCM nên thành lập đội phản ứng nhanh về trật tự đô thị và vệ sinh môi trường từ thành phố đến quận, phường; đồng thời tăng mức xử phạt thật nặng đối với hành vi xả rác không đúng nơi quy định.
Giải pháp này trước tiên nhằm nâng cao tính chấp hành của người dân rồi sau đó là thay đổi thói quen, ý thức và hành vi xả rác bừa bãi như hiện nay. Liên quan đến việc này, nhiều chủ tịch UBND phường đề nghị TPHCM có cơ chế để sử dụng hình ảnh từ camera phục vụ cho việc xử phạt hành chính.
Một vấn đề được lãnh đạo chính quyền TPHCM và chính quyền cơ sở quan tâm là việc quản lý chung cư, nhất là các chung cư có người nước ngoài sinh sống. Ông Nguyễn Đức Hiếu, Chủ tịch UBND phường 14, quận Tân Bình phản ánh tình trạng nhiều chung cư không có nơi để xe, khiến cư dân phàn nàn, bức xúc nhiều.
Chủ tịch UBND phường Thảo Điền (quận 2) Nguyễn Ngọc Tuấn nêu tình trạng tại các chung cư thương mại, việc phối hợp giữa ban quản trị chung cư và địa phương còn nhiều khó khăn, nhiều chính sách có khi phải qua khâu trung gian là ban quản lý, ban quản trị chung cư mới đến được cư dân.
Chủ tịch UBND phường Tân Phú, (quận 7) cho hay, phường có 26 chung cư, trong đó có khoảng 5.000 người nước ngoài ở chung cư. Cán bộ phường gặp khó vì không phải ai cũng giao tiếp với người nước ngoài được. Nhiều Chủ tịch UBND phường đề nghị TPHCM cần quan tâm đến công tác quản lý chung cư.
“Đừng tự cho mình đã hoàn thiện”
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ vui mừng khi chứng kiến đội ngũ người đứng đầu chính quyền cơ sở ngày càng trẻ hóa, bản lĩnh, tự tin, có trách nhiệm và tràn đầy khát vọng cống hiến cho TPHCM. Chủ tịch UBND TPHCM thấu hiểu và chia sẻ áp lực của người đứng đầu chính quyền phường, đã nỗ lực và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định, năm 2019, TPHCM đạt được nhiều kết quả phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có sự đóng góp quan trọng và to lớn của các Chủ tịch UBND phường.
Bước sang năm 2020 với chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, Chủ tịch UBND TPHCM nêu ra 9 nhóm giải pháp của TPHCM: chú trọng tổ chức đối thoại văn hóa; tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế, lễ hội áo dài; hoàn tất các thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng các công trình văn hóa; phát triển văn hóa đọc; tổ chức hoạt động Ngày hội TPHCM…
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu quận – huyện và đặc biệt là các phường – xã – thị trấn có các hoạt động xuyên suốt bám sát chủ đề năm, chú trọng cải thiện văn hóa công sở, văn hóa gia đình và văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức lưu ý cải thiện văn hóa tiếp công dân, bởi lắng nghe dân – lắng nghe nhiều chiều, cả lời chân thành, cả lời bực dọc của dân – là chìa khóa, là sức mạnh trong quản lý, lãnh đạo. “Cần xem khó khăn của người dân như chính khó khăn của mình; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho cải cách hành chính. Chủ trương, chính sách đề ra phải trên cơ sở nguyện vọng của người dân, thì chính sách đi vào cuộc sống rất nhanh, phát huy kết quả. Tất nhiên, chủ trương, chính sách mới là tiền đề, còn khâu thực hiện mới là quan trọng nhất”, người đứng đầu chính quyền TPHCM truyền đạt yêu cầu tới các Chủ tịch UBND phường.
Năm 2020 là năm có nhiều hoạt động trọng đại và diễn ra đại hội Đảng các cấp. Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong lưu ý các phường, xã, thị trấn quan tâm tổ chức tốt đại hội, đồng thời không sao nhãng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, các địa phương phải có các hoạt động ghi dấu ấn văn hóa với mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân TPHCM.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý cả TPHCM muốn đổi mới thì không đâu khác hơn cần đổi mới chính từ cơ sở, vì thế, chủ tịch UBND các phường phải có ý thức không ngừng đổi mới sáng tạo. Nhắc nhở 322 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn “đừng bao giờ tự cho mình là hoàn thiện”, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu người đứng đầu chính quyền cơ sở không quên học tập, trau dồi trình độ chuyên môn, ngoại ngữ. Trong năm 2020, Học viện Cán bộ TPHCM và Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM sẽ tổ chức cho tất cả cán bộ (trước hết là cấp Phó Giám đốc, cấp phòng ở các sở, ngành và lãnh đạo quận, huyện) thông thạo tiếng Anh. “TPHCM chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, để 2-3 năm sau, lãnh đạo sở, ngành đi công tác ở nước ngoài không cần phiên dịch. TPHCM là một trung tâm kinh tế lớn của cả nước mà lãnh đạo sở đi làm việc vẫn cần phiên dịch thì… lãnh đạo đó không còn phù hợp nữa”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhắc nhở.
Riêng việc quản lý chung cư, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM sẽ có chuyên đề về công tác này và có thể tổ chức cho cán bộ, lãnh đạo, công chức đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài về quản lý chung cư.
Dịp này, UBND TPHCM tặng bằng khen tới 24 chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn tiêu biểu có những sáng kiến, mô hình, giải pháp hiệu quả trong trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện vượt các chỉ tiêu kế hoạch trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM VÕ VĂN HOAN: Chung cư, nên quản lý như khách sạn TPHCM sẽ có chuyên đề thảo luận về quản lý chung cư. Hiện nay, chúng ta đang quản lý chung cư theo kiểu cũ, tức phải có người và phải được gặp gỡ mới gọi là quản lý chung cư. Nhưng xu thế hiện nay, không thể quản lý theo kiểu cũ, mà phải quản lý theo kiểu mới, tức là quản lý bằng công nghệ theo việc, theo thời gian, chứ không lúc nào cũng phải gặp trực tiếp mới là quản lý. TPHCM cần tính toán quản lý theo kiểu mới. Quản lý chung cư nên như quản lý khách sạn thì dễ hơn, nghĩa là khi người ra vào thì ghi nhận và lưu lại, thông tin chuyển tải tới các ngành quản lý của TPHCM. Khi cần – trường hợp có biểu hiện nghi vấn, có vụ việc, sự cố phát sinh – thì trích xuất dữ liệu, xử lý nhanh chóng. Phó Chủ tịch UBND TPHCM TRẦN VĨNH TUYẾN: Xã hội hóa lắp đặt camera cần tuân thủ tiêu chuẩn, tính đồng bộ Toàn TPHCM mới cập nhật về Trung tâm điều hành thông minh TPHCM dữ liệu từ khoảng 1.100 camera. Nếu tích hợp đầy đủ trên toàn địa bàn TPHCM thì phải cập nhật từ khoảng 40.000 camera. Số lượng camera trên địa bàn TPHCM rất nhiều nhưng số camera đủ tiêu chuẩn để có thể xử phạt thì rất ít. TPHCM đã ban hành hướng dẫn khung kiến trúc cho camera, để các địa phương khi vận động xã hội hóa lắp đặt camera cần tuân thủ khung này, nhằm đảm bảo tính đồng bộ. Bởi, nếu xã hội hóa lắp đặt camera không đạt chuẩn thì camera chỉ để xem hình ảnh, không phục vụ trích xuất áp dụng xử phạt hành chính được. |