Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn

Đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, năm 2021, TPHCM nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu nơi nào có doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà, thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm.

Ngày 8-12, HĐND TPHCM bước sang ngày làm việc thứ hai với phiên chất vấn tại hội trường. Người đăng đàn trả lời chất vấn là đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bốn vấn đề trọng tâm được chất vấn là: 1- Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện mục tiêu kép – vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; 2- Xây dựng chính quyền đô thị, hướng giải quyết, sắp xếp cán bộ sau khi sắp xếp phường, xã, thành lập thành phố Thủ Đức; 3- Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sự hài lòng của người dân; 4- Giải pháp phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM…

Phát biểu trước phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, dịch Covid-19 diễn ra từ ngày 23-1 đến nay vẫn còn tác động đến đời sống kinh tế - xã hội. TPHCM là một trong những địa phương bị tác động mạnh nhất. Trong bối ảnh trên, UBND TPHCM đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai giải pháp đồng bộ thực hiện nhiệm vụ kép – vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2021, TPHCM xác định chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. TPHCM tập trung thực hiện các nội dung: triển khai mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thành lập thành phố Thủ Đức; chuẩn bị và làm tốt bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thực hiện chương trình cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo của sự phục vụ; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, triển khai chương trình phục hồi kinh tế, triển khai gói hỗ trợ lần thứ 2, tháo gỡ mọi khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp.

TPHCM thực hiện 4 chương trình phát triển TPHCM với 51 chương trình, đề án thành phần. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tiếp tục triển khai giai đoạn 2 xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh… TPHCM chú trọng thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ…

Không “khoán trắng” chỉ đạo phòng chống dịch cho cấp phó

·       ĐB PHẠM QUỐC BẢO: Dịch Covid-19 đã và đang lan rộng trên toàn thế giới, tác động mạnh đến kinh tế - xã hội của TPHCM. Bên cạnh chỉ đạo chung của Chính phủ, TPHCM còn có chỉ đạo gì trong năm 2021 để đạt mục tiêu kép, đặc biệt là việc hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, hộ kinh doanh nhỏ lẻ vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống?

 Bên cạnh đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP. Nhưng trong các chỉ tiêu cụ thể của năm 2021, UBND TPHCM lại không đề cập chỉ tiêu này. Vậy UBND TP có kế hoạch triển khai như thế nào để đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra?

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn ảnh 2 ĐB Phạm Quốc Bảo chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: VIỆT DŨNG

·       Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Từ ngày 23-1 đến nay, TPHCM đã ghi nhận 142 ca mắc Covid-19, trong đó 32 ca mắc trong cộng đồng, 110 ca là nhập cảnh, không có trường hợp tử vong. Với tinh thần quyết tâm cao, sự đồng lòng của người dân, TP đã đẩy lùi nhanh chóng các đợt dịch trong thời gian ngắn nhất. Đợt dịch thứ 3, TPHCM đã có 7 ngày không phát hiện ca mắc mới.

Trong bối cảnh đó, TPHCM xác định từ đây đến năm 2021 phải xem kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, gắn với nhiệm vụ kép. TPHCM tập trung các giải pháp: Cả hệ thống chính trị tiếp tục tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan bùng phát trở lại. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, không “khoán trắng” cho cấp phó. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu đi đầu trong phòng chống dịch. Vận động mỗi người dân quyết liệt phòng chống dịch. Kiên trì nguyên tắc chống dịch và phương châm 5 tại chỗ. Xây dựng các cấp độ cảnh báo dịch bệnh. Ngành y tế và cả cộng đồng phải can thiệp phù hợp. Giám sát nguy cơ phát hiện sớm ca bệnh…

Về giải pháp phát triển kinh tế, năm 2021, TPHCM tiếp tục phát huy hiệu quả các hội đồng ngành, tập trung các ngành chủ lực có giá trị gia tăng cao; tổ chức diễn đàn kinh tế 2021 phù hợp tình hình dịch bệnh. Triển khai chương trình chuyển đổi số, đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp giai đoạn 2020-2025.

Về việc phát triển kinh tế số không đưa chỉ tiêu 2021, tôi đã chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông và Cục Thống kê để có cụ thể các tiêu chí tính toán kinh tế số như thế nào. Hiện các đơn vị đang triển khai việc này. Chúng ta đã nêu chỉ tiêu thì phải có cách tính toán. Dù không nêu ra nhưng việc này sẽ được bổ sung sau đó. Tôi báo cáo với đại biểu như vậy!

Nếu doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

·       ĐB NGUYỄN THỊ TỐ TRÂM: Tôi chất vấn 3 vấn đề. Năm 2021, TPHCM có giải pháp gì để cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người dân, doanh nghiệp?

 Thứ hai, lãnh đạo TPHCM đã từng khẳng định, nếu xảy ra tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm thì sẽ làm rõ trách nhiệm người đứng đầu. Thực tế, vỉa hè vẫn bị tái chiếm. Vậy đã có lãnh đạo quận, huyện nào bị xử lý vì vỉa hè bị lấn chiếm hay chưa?

 Thứ ba, còn nhiều dự án trọng điểm chậm trễ, có dự án chậm đến 20 năm như dự án xây cầu Long Kiểng – huyện Nhà Bè. Chính phủ cho phép TPHCM có cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng, vậy TPHCM áp dụng như thế nào để các dự án không chậm trễ?

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn ảnh 3 ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: VIỆT DŨNG

·       Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Về cải thiện môi trường đầu tư, hiện nay, trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội thì đầu tư công chỉ chiếm 13%, còn lại là đầu tư nước ngoài và tư nhân. Trong đó, riêng đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 70% và doanh nghiệp FDI chiếm phần còn lại.

Vì thế, song song với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công thì TPHCM phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, có như vậy mới thu hút được nguồn lực từ trong dân, doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài. Năm 2021, TPHCM xác định chủ đề là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Trong năm 2020, đến giờ này, đầu tư từ các dự án FDI đang giảm 51%. Đến nay, có 1.300 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư, song mỗi dự án chỉ có quy mô khoảng nửa triệu USD. Quy mô quá nhỏ. TPHCM chưa có dự án nào lớn cả! Hiện nay, đang có dòng dịch chuyển đầu tư từ các nước nhìn ngắm vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư là đòi hỏi bức thiết với TPHCM.  

Nên làm gì? Và làm như thế nào? Tôi xin trả lời rằng, giai đoạn 2016-2019, chỉ số PCI của TPHCM có tăng điểm nhưng tăng không nhiều, chỉ tăng 5,4 diểm trong vòng 4 năm. TPHCM có sự cải thiện tốt nhưng các địa phương khác có sự cải thiện, thay đổi tốt hơn, nên TPHCM vẫn tụt hạng. Rốt cục, TPHCM tăng điểm nhưng xuống hạng về năng lực cạnh tranh, từ hạng 8 (vào năm 2016), xuống hạng 10 (năm  2018), và hạng 14 (năm 2019). Điều đó cho thấy nỗ lực cải thiện của TPHCM là chưa đạt. TPHCM thẳng thắn nhìn nhận và tiếp tục nỗ lực cải thiện điều này.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn ảnh 4 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trong năm 2021, TPHCM nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu nơi nào có doanh nghiệp phản ánh còn phiền hà, thì người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Cao nhất là cá nhân Chủ tịch UBND TPHCM phải chịu trách nhiệm trước UBND TPHCM về việc cải thiện môi trường đầu tư. TPHCM quyết liệt cải cách hành chính liên quan đến việc đầu tư của tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo các yêu cầu: có thời hạn cụ thể với quy trình thủ tục; xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong giải quyết hồ sơ; có sự giám sát; có chế tài xử lý nếu để chậm trễ… TP tăng cường sự giám sát của HĐND, MTTQ, của báo chí, của nhân dân… Đó là giải pháp triển khai trong thời gian sắp tới.

Về việc lấn chiếm vỉa hè, Thành ủy TPHCM đã có Chỉ thị về vấn đề này và đã đạt kết quả nhất định. Trong các đợt sơ kết, tổng kết, tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các quận, huyện, phường, xã phải hết sức quan tâm lập lại trật tự vỉa hè, lề đường. Phải nhìn nhận là việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường đòi hỏi có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, chứ nếu chỉ riêng chính quyền tham gia thì… dọn dẹp tới đâu cũng sẽ bị tái lấn chiếm.

Liên quan các công trình giao thông trọng điểm, thời gian qua, TPHCM đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư, cộng với khó khăn trong giải phóng mặt bằng, một số dự án chậm trễ. TPHCM đã xin Chính phủ triển khai thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM.

Thời gian tới, TPHCM thực hiện các giải pháp: chỉ đạo sở, ngành đẩy nhanh tiến độ các công trình, tránh đội vốn do triển khai chậm; yêu cầu chủ đầu tư, lãnh đạo quận huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án…

Cùng với đó, TPHCM xây dựng tiêu chí đánh giá ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm, không đầu tư dàn trải. Trong đó, TPHCM tập trung đầu tư các dự án khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, các dự án Metro, kết nối cảng Cát Lái…

Không để tình trạng thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho tội phạm

·       ĐB THI THỊ TUYẾT NHUNG: Cử tri gửi lời cảm ơn TP đã quan tâm đến an sinh xã hội, nhất là trong dịch Covid-19. Cử tri nhận định an ninh trật tự TP còn nhiều vấn đề, đề nghị cần tập trung quyết liệt làm sao kéo giảm tệ nạn, tội phạm ma túy… Cử tri cũng đề nghị TP quan tâm tình trạng ngập nước do triều cường.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn ảnh 5 ĐB Thi Thị Tuyết Nhung chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: VIỆT DŨNG

·       Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Phải khẳng định là công tác bảo đảm an ninh trật tự có vai trò ý nghĩa rất quan trọng, mang lại cuộc sống bình yên, góp phần thu hút đầu tư phát triển TP. Năm qua, tình hình tội phạm có nhiều chuyển biến phức tạp, đặc biệt lợi dụng dịch bệnh, tội phạm xâm phạm sở hữu gia tăng, tội phạm ma túy tiềm ẩn, tín dụng đen còn xảy ra nhiều. Nhiều vụ phát hiện thu giữ lượng ma túy rất lớn, có vụ lên tới trên 1 tấn ma túy, nhiều vụ thu giữ hàng trăm kg. Tội phạm thường chọn TP là nơi sản xuất, trung chuyển, tiêu thụ ma túy.

Thời gian qua, lực lượng công an đã triển khai rất tốt nhiệm vụ được giao. Phạm pháp hình sự giảm 3,6% so cùng kỳ, là năm thứ 6 tội phạm hình sự giảm liên tiếp. Dự báo năm 2021, tình hình trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

TP tập trung các giải pháp: Tiếp tục củng cố kiện toàn Ban Chỉ đạo 138 các cấp. Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các cấp chính quyền. Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, không để tình trạng thiếu trách nhiệm, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm… Không để hình thành các tụ điểm phức tạp về ma túy

Về ngập nước, để có giải pháp giảm ngập thì phải phân tích cho được những nguyên nhân ngập nước: Đó là lũ từ đầu nguồn, biến đổi khí hậu rất phức tạp, đến trước so với dự báo, TP hàng năm đều lún, có nơi 5-7cm... Công tác quản lý ở một số địa phương do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, có những tuyến đường không có cống thoát nước. Công tác nạo vét đôi lúc cũng còn bất cập. Ý thức của một bộ phận người dân.

Đi kiểm tra thực tế, tôi đã thấy có những dòng kênh mương đầy rác, xây dựng lấn chiếm lên hệ thống cống… Với công tác chống ngập, chúng ta phải triển khai đồng bộ và không chỉ giải pháp công trình mà cần cả giải pháp phi công trình.

Đốt rác phát điện, không phân loại rác như trước

·       Cử tri NGUYỄN VĂN DŨNG, huyện Hóc Môn, TPHCM: TPHCM đang tinh giản cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, mỗi xã còn không quá 14 cán bộ không chuyên trách. Việc này là bất hợp lý khi nhiều xã rất đông dân cư, chênh lệch nhân khẩu giữa các xã cũng rất lớn.

Về thu gom rác, người dân rất ủng hộ chủ trương phân loại rác tại nguồn. Nhưng sau đó, xe rác lại dồn rác chung lại. Vậy phân rác ra để làm gì? Đề nghị có chính sách đối với người đi mua rác. Nếu có chính sách tốt với người lấy rác thì cũng hạn chế rác.

·       Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Tôi xin tiếp thu, sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến này trong việc sắp xếp biên chế cho hợp lý.

Về việc thu gom rác, thực hiện theo Nghị quyết của HĐND TPHCM, UBND TPHCM đang chỉ đạo sở và ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng theo công nghệ đốt rác phát điện. Phấn đấu cuối 2025, có 80% rác thải sinh hoạt được đốt và 100% được xử lý đốt vào năm 2030.

Vừa qua, tôi đi kiểm tra, một số doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ đốt rác này. Hiện nay, rác thải lên tới hơn 9.000 tấn/ngày, chưa nói rác thải công nghiệp, rác thải y tế. Nên chúng ta xử lý chôn lấp, tái chế như hiện nay là không phù hợp.

Với công nghệ mới, tự công nghệ sẽ tách ra, rác nào là chất thải rắn, rác nào là rác hữu cơ  - chế biến thành phân… Chậm nhất năm 2020 sẽ hoàn thiện lò đốt rác, biến rác thành điện. Sắp tới, chỉ phân loại rác thành 2 loại là chất thải rắn và hữu cơ, chứ không phân loại như trước nữa.


Khép lại phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, có 12 đại biểu và 5 cử tri đăng ký chất vấn. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn nên một số chất vấn được trả lời trực tiếp tại hội trường. Các ý kiến chất vấn còn lại sẽ được nghiên cứu và trả lời đầy đủ bằng văn bản. 
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn ảnh 6 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhận xét, phiên chất vấn đã diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Các ĐB, cử tri đã đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, chỉ ra những tồn tại hạn chế với mong muốn chính quyền TP có giải pháp để khắc phục, thực hiện thời gian tới. Đề nghị UBND TP nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, có giải pháp tạo sự chuyển biến trong chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục