Ngày 20-2, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ban hành kế hoạch khẩn về kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, thực hiện theo Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 11-11-2019 của Thường trực Thành ủy TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu việc kiểm kê, rà soát và đánh giá thực trạng, hiệu quả quản lý, sử dụng đối với quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TPHCM phải được tổ chức một cách chặt chẽ, khẩn trương. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải báo cáo về Sở Tài chính, Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Xây dựng TPHCM trước ngày 29-2; các sở này báo cáo trình UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo trước ngày 30-4.
Theo kế hoạch, mục đích việc kiểm kê, rà soát quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước là xác định số lượng, loại hình, diện tích, vị trí, hồ sơ pháp lý, chủ thể quản lý, mục đích và hiện trạng sử dụng đối với nhà, đất đang tạm quản lý, quản lý, sử dụng (cho thuê, liên doanh, liên kết...) của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn TPHCM.
Đồng thời, đảm bảo các cơ sở nhà, đất được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; kịp thời sắp xếp, xử lý đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư, sử dụng không có hiệu quả; thu hồi, xác lập sở hữu nhà nước các mặt bằng bỏ trống, nhà, đất có nguồn gốc sở hữu nhà nước đang bị chiếm dụng.
Qua việc kiểm kê, cần đánh giá thực trạng, hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước để có giải pháp đề xuất mô hình quản lý thống nhất.
Đối tượng kiểm kê, rà soát là các cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng, chiếm dụng nhà, đất có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước, chưa được xác lập sở hữu nhà nước.
Phạm vi kiểm kê, rà soát gồm: đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là nhà, đất) trên địa bàn TPHCM từ năm 2002 đến ngày 31-12-2019 do cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng thuộc đổi tượng thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; nhà, đất được quản lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, mốc thời điểm kiểm kê từ ngày 6-6-2013 đến ngày 31-12-2019; nhà, đất có nguồn gốc thuộc sở hữu nhà nước, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng, chiếm dụng, chưa được xác lập sở hữu nhà nước; đất thuộc diện nhà nước trực tiếp quản lý (đất trống, đất dôi dư sau bồi thường giải tỏa của các dự án) nhưng chưa kê khai, xác lập quản lý nhà nước trên địa bàn TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng giao Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM rà soát và báo cáo đề xuất UBND TPHCM biện pháp thu hồi đối với các dự án chậm triển khai, "dự án treo" hoặc không triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật; khẩn trương tham mưu cho UBND TPHCM ban hành Quy chế phối hợp trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn TPHCM.