Hội thảo kỳ vọng sẽ đúc kết và đưa ra những quyết sách để hoàn thiện chương trình phát triển AI của thành phố từ nay đến năm 2020. Dịp này, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi trước thềm hội thảo quan trọng này.
- Phóng viên: Thưa đồng chí, vào tháng 3-2019, thành phố đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025” và hôm nay thành phố tiếp tục tổ chức hội thảo quan trọng này. Điều này cho thấy thành phố đặt quyết tâm và chuẩn bị kỹ càng cho mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng AI trên địa bàn TPHCM?
>> Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Để xây dựng chương trình AI cho thành phố, từ tháng 3-2019, Sở TT-TT và Sở KH-CN TPHCM đã phối hợp tổ chức hội thảo “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TPHCM giai đoạn 2019-2025”, qua đó xác định thực trạng phát triển nền móng ban đầu của việc đẩy mạnh ứng dụng AI cho sự phát triển của thành phố. Từ đó cho thấy, TPHCM có điều kiện hình thành Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI bởi có nguồn lực kinh tế, có thị trường, con người tại chỗ. Qua đó cũng xác định được TPHCM hiện có nhiều chương trình AI của các viện trường, các doanh nghiệp và trung tâm đổi mới sáng tạo đang phát triển có thể ứng dụng ngay vào các lĩnh vực như y tế, giao thông, giáo dục… Sau hội thảo vừa rồi, các sở ngành đã tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu ứng dụng AI tại thành phố cũng như hình thành Ban Xây dựng và điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu ứng dụng AI để biết rõ thực lực, nhu cầu của chính mình.
Hôm nay, với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo - Khuyến cáo cho TPHCM”, hội thảo có những nội dung chính: Các mô hình nghiên cứu, ứng dụng AI của thế giới, đề xuất các cam kết hỗ trợ cho TPHCM; Khai thác ứng dụng AI cho TPHCM trong lĩnh vực y tế, giáo dục, vận tải và các vấn đề liên quan đến trận tự, an ninh… Các chuyên gia quốc tế cũng sẽ đưa ra những khuyến cáo cho TPHCM khi xây dựng Chương trình phát triển AI, và hội thảo này sẽ đúc kết đưa ra những quyết sách để hoàn thiện Chương trình phát triển AI của thành phố. Thành phố luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước để thực hiện chương trình AI. Có thể nói, vai trò của chính quyền thành phố là khuyến khích, tạo điều kiện để nghiên cứu AI và đẩy mạnh ứng dụng AI phục vụ cho Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố.
- Xây dựng chương trình AI của thành phố cũng cho thấy tầm nhìn và mục tiêu của thành phố trong tiến trình của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng liệu thành phố có bắt kịp bước đi của các nước trên thế giới?
Chúng ta đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, kết quả là hiện nay chúng ta vẫn đang phải bắt đầu bằng những công đoạn khá lạc hậu, ít mong muốn nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu là gia công sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho chúng ta một cơ hội và ở đây TPHCM quyết tâm thực hiện chương trình AI.
Bên cạnh những khó khăn, TPHCM cũng có những thuận lợi nhất định, như: nền kinh tế trẻ và năng động sẽ giúp các công ty công nghệ sẵn sàng tiếp cận công nghệ và thử sức ở các lĩnh vực tiềm năng. Một nền công nghiệp sản xuất gia công (phần mềm và phần cứng) cho chúng ta một đội ngũ nhân lực được tiếp cận với các sản phẩm và công nghệ mới nhất của thế giới. Với lượng sinh viên du học nằm trong tốp 10 của thế giới, cùng số lượng Việt kiều lớn, giỏi chuyên môn ở rất nhiều quốc gia phát triển, chúng ta có điều kiện tiếp xúc và học hỏi những sản phẩm và công nghệ mới nhất, phức tạp nhất. Đặc biệt trong lĩnh vực AI, các viện trường, các chuyên gia người Việt trong và ngoài nước luôn sẵn sàng cho thành phố và hướng về thành phố để chung tay xây dựng, là điều hết sức quý giá. Đây là thời cơ và cũng là thách thức cho chính quyền thành phố.
- Tại TPHCM, nếu ứng dụng AI vào giao thông, y tế… thì sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề của đô thị cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng chí có thể cho cái nhìn khái quát những lĩnh vực trên đã bước đầu tham gia vào chương trình phát triển AI của thành phố?
TPHCM là một đô thị đặc biệt, với dân số hơn 10 triệu người, tương tự như các siêu đô thị (Mega City) trong khu vực và trên thế giới. TPHCM đã và đang phải đối mặt với những thách thức, những điểm nghẽn lớn trong quá trình phát triển, đặc biệt là trên lĩnh vực giao thông đô thị do tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, sự gia tăng của dân số cơ học và nhiều phương tiện tham gia giao thông, trong khi thiếu cơ chế điều hành giao thông thật sự thông minh.
Cho nên, ứng dụng AI trong giao thông nằm ở công tác quản lý, điều hành trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông thông qua việc thu thập đầy đủ các dữ kiện giao thông, phân tích các hành vi giao thông, dự báo các sự kiện giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp. Kế đó, ứng dụng AI trong việc nghiên cứu phát triển phương tiện không người lái (autonomous vehicles); bước đầu xây dựng các giải pháp kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin giữa phương tiện và phương tiện (V2V), phương tiện và cơ sở hạ tầng (V2I và I2V), phương tiện và trung tâm (V2C và C2V) và giữa các thiết bị hạ tầng với nhau (I2I). Ứng dụng AI trong việc tăng cường giám sát, phát hiện tự động các hành vi vi phạm giao thông trên đường thông qua việc thu thập, tổng hợp, phân tích các hành vi lưu thông đặc thù của người tham gia giao thông. Không chỉ vậy mà còn ứng dụng AI trong công tác quản lý, bảo trì hệ thống công trình giao thông; thu thập thông tin, giám sát và phát hiện tự động các bất cập, hư hỏng hệ thống công trình giao thông xảy ra trong quá trình khai thác sử dụng… Đặc biệt là tất cả các chủ thể đều phải tham gia vào quá trình điều tiết giao thông.
Còn trong lĩnh vực y tế, những năm gần đây, các bệnh viện của TPHCM đã bắt đầu tiếp cận các ứng dụng AI để tăng chất lượng điều trị. Về ứng dụng của robot trong y học, Bệnh viện Bình Dân đã trang bị robot Da Vinci vào tháng 11-2016. Cho đến nay, Bệnh viện Bình Dân đã thực hiện phẫu thuật robot cho 687 bệnh nhân mắc các bệnh phức tạp. Gần đây, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã trang bị robot Modus V Synaptive (thế hệ II), và đã sử dụng phẫu thuật robot cho 7 bệnh nhân mắc các bệnh thần kinh phức tạp. Về ứng dụng nguyên lý máy học và trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 đã triển khai phần mềm AI chuyên dụng trong chẩn đoán đột quỵ mở ra cơ hội cứu sống và giảm nguy cơ khuyết tật cho bệnh nhân, góp phần đưa bệnh nhân đến tái hòa nhập sớm. Bệnh viện Ung bướu đang thử nghiệm phần mềm trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology trong việc tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tiên tiến và hiệu quả cho bệnh nhân ung thư. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã áp dụng nguyên lý máy học xây dựng phần mềm ứng dụng giúp kê đơn hợp lý cho các bác sĩ làm việc tại các phòng khám của bệnh viện. AI đối với lĩnh vực y tế là cực kỳ quan trọng và hiệu quả.
Qua đây cho thấy việc áp dụng các sản phẩm ứng dụng công nghệ AI để cải thiện hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân là điều phải làm và khi phát triển chương trình AI của thành phố, các AI đang “riêng lẻ” sẽ được tập hợp và phục vụ tốt hơn những mục tiêu đề ra.
- Phát triển chương trình AI không thể tách rời với Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh” mà TPHCM đang thực hiện. Đồng chí có thể khái quát những liên kết ban đầu để dễ hình dung?
Đô thị thông minh của TPHCM vận hành trên 4 trụ cột là Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội, Trung tâm An toàn thông tin.
Đến nay, Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở giai đoạn 1 đi vào hoạt động tại Công viên Phần mềm Quang Trung, trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành của thành phố. Thành phố sẽ vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (giai đoạn 1) tại Văn phòng UBND TPHCM trên cơ sở tích hợp thông tin từ các hệ thống camera hiện có của văn phòng và các sở ngành, các trung tâm, hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp 113 - 114 - 115 và hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022 vào Trung tâm Điều hành chung của UBND thành phố.
Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội thành phố cũng đã đưa vào vận hành. Đây là nơi tổ chức điều tra, khảo sát và thu thập thông tin nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu xây dựng mô hình phân tích, dự báo và mô phỏng; nghiên cứu, hệ thống hóa cơ sở lý luận, khoa học và thực nghiệm phục vụ xây dựng mô hình phân tích, dự báo và mô phỏng; xây dựng và từng bước hệ thống hóa các mô hình định lượng phục vụ phân tích, dự báo và mô phỏng đối với các vấn đề có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, cùng với một số vấn đề trong nước và quốc tế mà thành phố quan tâm…
Cho nên mục tiêu của chương trình AI của thành phố cũng nhằm đưa AI vào việc thực hiện nhanh các trụ cột của đô thị thông minh, là một cấu thành quan trọng trong xây dựng đô thị thông minh. Mới đây, ngày 21-9, TPHCM cùng với Tập đoàn Viettel đã công bố phát sóng 5G, đưa vào khai thác hạ tầng hơn 1.000 trạm IoT, phủ kín 100% địa bàn TPHCM, đưa thành phố trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước phủ sóng IoT diện rộng. Và ở đây, thành phố cũng hướng các ứng dụng công nghệ đến với Khu đô thị sáng tạo hay các khu đô thị mới để xây dựng những đô thị ứng dụng công nghệ.
Tôi cho rằng, với vai trò là một thành phố trẻ, năng động, có tiềm lực khoa học công nghệ cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở - tổ chức liên quan, lại có khả năng thương mại tại chỗ từ hơn 10 triệu dân cư và 30.000 doanh nghiệp, TPHCM đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI mang đặc trưng của TPHCM, mà trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp triển khai và quyết tâm của thành phố thì sẽ tạo nên những kết quả tốt như mong đợi của nhân dân thành phố.
- Cảm ơn đồng chí!