Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: 99% người dân hài lòng là… chưa sát thực tế

Nhận xét về kết quả tỷ lệ hài lòng rất cao (có đơn vị đạt trên 99%), đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, kết quả này chưa phù hợp với thực tế.

Chiều 9-1, UBND TPHCM tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 và triển khai nhiệm vụ CCHC năm 2020. Tham dự có các đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: 99% người dân hài lòng là… chưa sát thực tế ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: 99% người dân hài lòng là… chưa sát thực tế ảnh 2 Quang cảnh hội nghị
Không cần giấy vẫn làm được thủ tục hành chính

Thực hiện Chủ đề năm 2019 “Năm đột phá CCHC và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”, ngay từ đầu năm 2019, TPHCM đã đưa ra 7 mục tiêu và 10 giải pháp đột phá CCHC. Điểm nhấn trong năm qua, theo ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM:  Thành phố lấy “yếu tố con người” làm trọng tâm để đột phá trong cải cách, với ý thức tự đổi mới, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Nhiều mô hình, cách làm hay trong CCHC được ghi nhận. Ngay trung tâm TPHCM, quận 1 đã thí điểm mô hình “Tiếp nhận đăng ký thủ tục hành chính (TTHC) không giấy” ở nhiều lĩnh vực. Cách làm của quận 1: Hiệu chỉnh phần mềm dịch vụ công trực tuyến đăng ký theo hướng rút gọn các thông tin yêu cầu người dân nhập liệu. Hỗ trợ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để người dân chụp, gửi các giấy tờ liên quan. “Người dân không phải nộp bất kỳ giấy tờ liên quan nào. Các hồ sơ theo quy định sẽ được phòng chuyên môn in sẵn, chuyển đến người dân ký xác nhận, cùng với kết quả đã được giải quyết khi đến nhận kết quả hoặc thông qua dịch vụ bưu điện”, Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng cho hay.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Dũng, quận 1 đang thay đổi thói quen của người dân và các tổ chức khi sử dụng dịch vụ công: Chuyển từ truyền thống nộp hồ sơ trực tiếp qua nộp hồ sơ trực tuyến. Dù ở nhà hay đến trực tiếp Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, người dân vẫn sẽ thực hiện đăng ký TTHC không giấy thông qua dịch vụ công trực tuyến và được giải quyết như nhau. Bằng cách này, người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã tăng mạnh, đạt tỷ lệ hơn 71% (năm 2016 tỷ lệ chỉ là 5,3%).

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: 99% người dân hài lòng là… chưa sát thực tế ảnh 3 Đồng chí Nguyễn Thành Phong  trao tặng bằng khen cho các đơn vị
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: 99% người dân hài lòng là… chưa sát thực tế ảnh 4

Trong khi đó, ở lĩnh vực “nóng” là xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM có sáng kiến tạo App trên điện thoại thông minh (App SXD247) cung cấp thông tin, tiến độ, pháp lý hơn 500 dự án nhà ở thương mại. Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, người dân chỉ cần vài giây là có thể tra cứu, biết được các thông tin pháp lý về các dự án nhà ở thương mại, hạn chế nguy cơ dính phải “dự án ma”. Ứng dụng SXD24 còn có chức năng tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, góp ý của người dân, về trật tự xây dựng, hạ tầng đô thị; cung cấp quét mã QR code trên giấy phép xây dựng, thuận tiện cho cơ quan chức năng và cả người dân kiểm tra, giám sát công trình.

Trên toàn địa bàn TPHCM, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, trong năm 2019, lượng hồ sơ TTHC được các sở, ban, ngành, UBND quận - huyện, phường – xã – thị trấn giải quyết lên đến gần 21,4 triệu hồ sơ. Trong đó có 21,3 triệu hồ sơ giải quyết đúng hạn (tỷ lệ 99,71%) và hơn 64.600 hồ sơ trễ hạn (chiếm 0,29%). Số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là hơn 6 triệu hồ sơ (chiếm hơn 28% tổng hồ sơ đã giải quyết và tăng 76% so với năm 2018 – năm 2018 chỉ có 3,4 triệu hồ sơ trực tuyến). TPHCM ghi nhận gần 382.000 lượt ý kiến người dân đánh giá sự phục vụ của cán bộ, công chức qua thiết bị đánh giá hài lòng (Kiosk, Tablet) đặt tại các đơn vị, (trong đó, tỷ lệ hài lòng là 99,24%; bình thường là 0,59% và không hài lòng là 0,17%); ghi nhận hơn 16.600 lượt người dân đánh giá về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công qua trang web www.danhgiahailong.hochiminhcity.gov.vn (trong đó: 94,95% hài lòng; 4,67% bình thường và 0,37% không hài lòng.

Không chấp nhận tình trạng dân chờ đợi còn cơ quan chức năng im lặng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận xét, thực hiện Chủ đề “Năm đột phá CCHC và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội”, công tác CCHC trong năm 2019 đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Các mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay được triển khai nhân rộng ở các cấp. Những kết quả đạt được là đáng khích lệ, nhưng vẫn còn một số tồn tại. Đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ rõ, một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa xác định được tầm quan trọng CCHC, nên trong chỉ đạo, lãnh đạo chưa thể hiện được sự sâu sát và chưa có tính “đột phá”, còn e dè và sợ trách nhiệm; chưa quyết tâm xử lý triệt để các hạn chế, thiếu sót, vi phạm của công chức, viên chức, đặc biệt là các công chức giải quyết hồ sơ bị trễ hạn trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.

Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn dù được kéo giảm xuống chỉ chiếm 0,29% trong tổng số hồ sơ giải quyết, nhưng vẫn còn nhiều – tương ứng hơn 64.600 hồ sơ - do số lượng hồ sơ của TPHCM tiếp nhận và giải quyết rất lớn. Hồ sơ trễ hạn vẫn là nỗi bức xúc của người dân. Trong khi hồ sơ giải quyết cho dân bị trễ, lại có tình trạng đơn vị chưa thể hiện sự cầu thị, đồng cảm với người dân, chưa nghiêm túc thực hiện thư xin lỗi. Tỷ lệ chưa thực hiện thư xin lỗi còn khá cao, gần 5.000 hồ sơ (chiếm 7,7% trong hồ sơ trễ hạn).

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng chỉ ra tình trạng CCHC, liên thông TTHC giữa nội bộ các cơ quan nhà nước, dù có tiến độ, song vẫn còn chậm. Vẫn còn tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm trong phối hợp giải quyết và xin ý kiến của cấp trên. Cá biệt, còn trường hợp người dân phải đi lại bổ sung hồ sơ nhiều lần và trả chi phí mà không được cung cấp hóa đơn, phiếu thu chính thức. Nhận xét về kết quả tỷ lệ hài lòng rất cao (có đơn vị đạt trên 99%), đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, kết quả này đôi lúc chưa phù hợp với thực tế.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của TPHCM và thực hiện được những mục tiêu đã cam kết đối với nhân dân trong năm 2020, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu thủ trưởng cơ quan, đơn vị các cấp cần ngay lập tức tập trung CCHC tại đơn vị, theo hướng xây dựng hình ảnh chính quyền thành phố phục vụ nhân dân, thân thiện, nhanh chóng, hiện đại. Đặc biệt, lưu ý kết hợp thực hiện chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.

TPHCM tiếp tục gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động CCHC các cấp; lấy kết quả, hiệu quả trong công tác CCHC và tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp để làm căn cứ, điều kiện bình xét thi đua, khen thưởng, xét hưởng thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu địa phương, đơn vị. Trong CCHC, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu phải phát huy sự sáng tạo, cải tiến có khả năng nhân rộng, ứng dụng lâu dài, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với phục vụ của cơ quan hành chính trên toàn địa bàn thành phố; phải có các giải pháp cải thiện sự hài lòng và khắc phục hồ sơ trễ hạn. “TPHCM không chấp nhận tình trạng người dân phải chờ đợi câu trả lời và bị rơi vào im lặng của các cơ quan. Năm 2020, các cơ quan phải chấm dứt ngay tình trạng người dân phải trả chi phí mà không được cung cấp hóa đơn, phiếu thu chính thức”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý việc kiểm tra đột xuất đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị có những hành vi, thái độ gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân.

Đồng thời với khuyến khích người dân, tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, TPHCM đẩy mạnh triển khai Đề án “Xây dựng TPHCM thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” và xây dựng chính quyền điện tử tại TPHCM.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu: Xử lý việc nộp tiền mà không có phiếu thu

Kết quả khảo sát độc lập sự hài lòng của người dân về TTHC năm 2019 được thực hiện ở 16 sở - ngành, 24 quận - huyện, 105 phường - xã - thị trấn cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người dân về TTHC và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ngày một tăng lên. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những ý kiến không hài lòng với thái độ chưa thân thiện của cán bộ, công chức, trả lời không rõ ràng; TTHC vẫn còn quá rườm rà, dù được hướng dẫn tại chỗ vẫn không hiểu mà phải đi tới đi lui nhiều lần.

UBND TPHCM cần quan tâm đến việc một số ý kiến người dân cho biết đã phải nộp tiền khi thực hiện TTHC mà không có phiếu thu. Dù tỷ lệ này chỉ 0,8% ở quận, huyện và 0,6% ở phường, xã, thị trấn trong số trả lời khảo sát, nhưng cần được nhìn nhận và đánh giá để sớm giải quyết.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng: Khảo sát trải nghiệm người bệnh sau điều trị

Năm 2019 là năm đầu tiên các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM đón số lượng người dân đến khám chữa bệnh vượt qua con số 50 triệu lượt người, tăng 12% so với cùng kỳ và tăng hơn 200% so với thời điểm cách nay 10 năm.

Nhằm cải thiện chất lượng chuyên môn và chất lượng phục vụ người bệnh, ngành y tế TPHCM tập trung ghi nhận, nắm bắt các ý kiến than phiền, không hài lòng của người bệnh. Các ý kiến không hài lòng sẽ được ghi lại thời gian thực và gửi trực tiếp đến lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo Sở Y tế. Sở Y tế TPHCM tổng hợp và công khai ý kiến không hài lòng của người bệnh để các bệnh viện lưu ý và cải tiến chất lượng phục vụ.

Đặc biệt, năm 2019, lần đầu tiên ngành y tế TPHCM khảo sát trải nghiệm của người bệnh sau thời gian điều trị nội trú tại các bệnh viện công và tư. Qua đó, ngành đã xác định những vấn đề cần cải thiện. Với khu vực khám bệnh ngoại trú tại các bệnh viện công lập, hơn 37.00 ý kiến người dân thể hiện không hài lòng ở các khâu làm thủ tục đăng ký khám bệnh; thái độ ứng xử, giao tiếp của nhân viên bệnh viện; khâu làm thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; cách hỏi bệnh và thăm khám của bác sĩ; nhà vệ sinh phục vụ người bệnh… Đối với khu vực điều trị nội trú, kết quả khảo sát trải nghiệm của hơn 5.700 người bệnh ở thời điểm xuất viện tại 91 bệnh viện cho thấy, trải nghiệm tích cực có tỷ lệ chưa cao tập trung ở khâu thời gian làm thủ tục nhập viện (thời gian chờ trung bình 32 phút), thời gian chờ bác sĩ khám bệnh (mất 20 phút)…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu: Cần lưu ý xử lý việc nộp tiền mà không có phiếu thu khi làm TTHC

Kết quả khảo sát độc lập sự hài lòng của người dân về TTHC năm 2019 được thực hiện ở 16 sở - ngành, 24 quận - huyện, 105 phường – xã – thị trấn cho thấy, tỷ lệ hài lòng của người dân về TTHC và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ngày một tăng lên. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những ý kiến không hài lòng với thái độ chưa thân thiện của cán bộ, công chức, trả lời không rõ ràng; TTHC vẫn còn quá rườm rà, dù được hướng dẫn tại chỗ vẫn không hiểu mà phải đi tới đi lui nhiều lần. UBND TPHCM cần quan tâm đến việc một số ý kiến người dân cho biết đã phải nộp tiền khi thực hiện TTHC mà không có phiếu thu. Dù tỷ lệ này chỉ 0,8% ở quận, huyện và 0,6% ở phường, xã, thị trấn trong số trả lời khảo sát, nhưng cần được nhìn nhận và đánh giá để sớm giải quyết.

Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị đã lưu trữ thông tin các hồ sơ rất tốt, có nơi số hóa, tiện cho việc tra cứu, khảo sát. Trong khi đó, nhiều nơi vẫn “rị mọ” ghi bằng tay, dẫn đến tình huống là số liệu chưa chính xác. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần thống nhất về cách lưu trữ hồ sơ.

Tin cùng chuyên mục