Chủ tịch UBND TPHCM làm việc, giải quyết các kiến nghị TP Thủ Đức, quận 1, 7 và huyện Cần Giờ

Sáng 2-3, UBND TPHCM tổ chức hội nghị kiểm tra kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2024, giải quyết kiến nghị của UBND TP Thủ Đức và UBND quận 1, quận 7, huyện Cần Giờ. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì hội nghị.

Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, hàng năm, thành phố đều có chương trình duyệt kế hoạch cho các địa phương. Ngay từ đầu năm 2024, các địa phương đã bắt tay ngay vào triển khai nhiệm vụ của năm. Cuộc làm việc hôm nay để đánh giá việc triển khai ban đầu tại các địa phương đạt hiệu quả ra sao, có vướng mắc gì để tháo gỡ để triển khai sớm, có kết quả ngay từ đầu năm.

2-3-1-9043.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại hội nghị, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn báo cáo tổng hợp tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kiến nghị của các địa phương.

Cụ thể, năm 2024, UBND TP Thủ Đức có 29 chỉ tiêu chủ yếu và 27 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. UBND quận 1 có với 32 chỉ tiêu và 35 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. UBND quận 7 có với 37 chỉ tiêu và 20 nhiệm vụ trọng tâm. UBND huyện Cần Giờ có 18 chỉ tiêu và 8 nhiệm vụ trọng tâm; 336 đầu mục công việc theo chương trình công tác.

2-3-2-3224.jpg
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn báo cáo tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Về kế hoạch thực hiện các công trình, dự án được giao vốn đầu tư công, các địa phương đã xây dựng đầy đủ kế hoạch thực hiện các công trình, dự án được giao vốn đầu tư công, đặt ra mục tiêu giải ngân theo từng quý.

Cụ thể, TP Thủ Đức được giao 253 dự án với kế hoạch vốn hơn 3.690 tỷ đồng; dự kiến tỷ lệ giải ngân quý 1, 2, 3 và cả năm lần lượt đạt 5%, 15%, 22% và 99%. Quận 1 được giao 29 dự án với kế hoạch vốn hơn 290 tỷ đồng; dự kiến tỷ lệ giải ngân đạt lần lượt trên 10 %, trên 30 %, trên 70 % và trên 95%.

Quận 7 được giao 14 dự án với kế hoạch vốn 167 tỷ đồng; dự kiến tỷ lệ giải ngân lần lượt đạt 10%, 30%, 50% và 95%. Huyện Cần Giờ được giao 327 dự án với kế hoạch vốn hơn 1.030 tỷ đồng; dự kiến tỷ lệ giải ngân lần lượt đạt 13%, 43%, 67% và 99,83%.

UBND TP Thủ Đức cũng kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM giải quyết 7 nội dung. Trong đó, đề xuất giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư 5 tuyến đường kết nối giữa TP Thủ Đức với tỉnh Bình Dương, tuyến đường kết nối D1 - Khu Công nghệ cao với đường Nguyễn Xiển cho UBND TP Thủ Đức; ủy quyền cho TP Thủ Đức quản lý và tự cân đối, sử dụng quỹ nhà, đất tái định cư trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương.

TP Thủ Đức cũng đề xuất TPHCM chấp thuận chủ trương cho phép triển khai đề án khai thác quỹ đất (của người dân, doanh nghiệp) chưa thực hiện theo quy hoạch được duyệt, trên cơ sở vận dụng Kết luận 14 của Bộ Chính trị; chấp thuận chủ trương thực hiện trước giai đoạn phê duyệt ranh giải phóng mặt bằng đối với dự án xây dựng đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng…

UBND quận 1 kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM giải quyết 12 nội dung; UBND quận 7 kiến nghị 19 nội dung và UBND huyện Cần Giờ kiến 7 nội dung.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh cũng đề nghị Sở GD-ĐT, Sở Xây dựng nghiên cứu để gỡ vướng về việc đầu tư cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, trước đây quy định chỉ có 6-8m² đất/học sinh, thông tư mới của Bộ GD-ĐT (Thông tư 13) nâng lên thành 10-12m² đất/học sinh.

Việc "nâng chuẩn" này làm ảnh hưởng lớn đến các trường xây dựng mới, các trường mầm non, nhất là ở khu vực trung tâm khó có đủ quỹ đất để đầu tư trường đúng theo quy định mới. Bởi lẽ, khi trường cũ được xây dựng lại, diện tích tăng lên đồng nghĩa với số lớp giảm 50%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.

Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Hoàng Minh Tuấn Anh đề nghị Sở QH-KT nghiên cứu cung cấp cho các địa phương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000 đối với các dự án đầu tư công. Nếu thực hiện tốt việc này, các quận, huyện mới giải ngân được đầu tư công. Chẳng hạn, riêng quận 7 có 3 trường học và 2 công trình, khi đưa vào đầu tư công đều phải điều chỉnh cục bộ, vì trước đây không phù hợp. Nếu làm theo quy trình điều chỉnh cục bộ 1/2000 trước đây rất nhiêu khê, mất cả năm mới xong.

2-3-4-9599.jpg
Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh trình bày thêm một số kiến nghị đề xuất Chủ tịch UBND TPHCM tháo gỡ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND quận 7 cũng đề nghị Sở QH-KT sớm nghiên cứu phân bổ dân số cho các đại phương theo đồ án quy hoạch 1/2000. Đồng thời, đề xuất vận dụng Nghị quyết 26 của HĐND TPHCM để triển khai Nghị quyết 98, nhằm đẩy nhanh được tiến độ bồi thường các dự án và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Chia sẻ với các đại biểu, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, lãnh đạo TPHCM đã thấy vướng mắc trong triển khai Thông tư 13 của Bộ GD-ĐT từ sớm và đã có hướng tháo gỡ. Trong đó, thành phố thống nhất chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những diện tích đất công ở các quận, huyện được quy hoạch khác muốn sử dụng vào mục đích y tế, giáo dục và thực hiện theo quy trình rút ngắn. Đồng chí Phan Văn Mãi cũng yêu cầu Sở Xây dựng thông tin cụ thể đến các địa phương.

Tin cùng chuyên mục