Ngày 6-5, các ĐBQH đơn vị bầu cử số 9 gồm các ĐB: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM; Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án TAND tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương, tiếp xúc cử tri quận 7 trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Cử tri đề nghị nâng mức hỗ trợ hoạt động của khu phố
Đề cập việc thực hiện sắp xếp khu phố, ấp, cử tri Nại Thành Tâm kiến nghị thành phố sớm ban hành kế hoạch và Sở Nội vụ sớm có hướng dẫn chi tiết để cấp cơ sở thực hiện. Theo cử tri, đa số những người không chuyên trách tham gia nhiệm vụ tại khu phố mới là những cán bộ hưu trí lớn tuổi, làm việc trên tinh thần tự nguyện. Vì vậy, cần có kế hoạch ban hành chi tiết về kinh phí phụ cấp hàng tháng, mức phụ cấp cho trưởng khu phố, trưởng ban công tác mặt trận và những người hoạt động không chuyên trách ở khu phố.
Cử tri quận 7 nêu ý kiến. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cử tri cũng đề nghị nâng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động của khu phố vì dự kiến như hiện nay, với mức 2,5 triệu đồng/khu phố, ấp theo Nghị quyết HĐND TPHCM, là không phù hợp với tình hình hiện nay.
Trao đổi lại với cử tri, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, từ tháng 12-2022 đến nay, Sở Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến về việc sắp xếp khu phố, ấp. Việc sắp xếp lại khu phố, ấp đang được thực hiện một cách thận trọng vì phải cắt giảm số lượng rất lớn người tham gia lực lượng khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân, khu phố, ấp.
Theo thống kê, toàn TPHCM có 2.008 tổ dân phố và 62.000 tổ nhân dân, tổng cộng là trên 64.000 tổ chức. Khi sắp xếp phải cắt giảm còn 25.000 khu phố, ấp mới. Trước đây, tổ dân phố, tổ nhân dân có tổ trưởng, tổ phó. Còn khu phố, ấp thì có đến 13 chức danh là 13 người hoạt động trong ban điều hành nên phải giảm số lượng người rất lớn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ, dự kiến giữa tháng 5, UBND TPHCM sẽ làm việc với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc sắp xếp này, Sở Nội vụ sẽ hướng dẫn quy trình thực hiện đề án.
Về trợ cấp cho người tham gia, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết phải thực hiện theo Nghị định 34. Đối với ấp thì được gấp 5 lần mức lương cơ sở cho các chức danh tham gia; áp dụng cho 3 chức danh tại khu phố, ấp là: bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành khu phố và trưởng ban công tác mặt trận. Trong khi đó, TPHCM lại có đến 13 chức danh nên số tiền, mức lương phụ cấp cho ban điều hành phải chia nhỏ cho 13 người, vì vậy mức trợ cấp sẽ thấp.
Về phía khu phố, theo quy định, đối với khu phố có từ 450 hộ trở lên sẽ được hưởng phụ cấp gấp 3 lần mức lương cơ sở. Riêng với TPHCM, tùy vào tình hình thực tiễn đã có đề xuất cho mức tương đồng với ấp là 5 lần mức lương cơ sở.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến trình chính phủ sửa Nghị định 34, đối với khu phố có từ 500 hộ trở lên và ấp có từ 350 hộ trở lên thì được 6 lần mức lương cơ sở. Sở Nội vụ cũng đang phối hợp, xin ý kiến Bộ Nội vụ để khi có nghị định thay thế Nghị định 34 sửa đổi hệ số phụ cấp của khu phố, ấp, sở sẽ tham mưu UBND TPHCM trình HĐND TPHCM về mức phụ cấp này theo mô hình mới.
Điều chỉnh giá đất tạo thuận lợi giải phóng mặt bằng
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Hồ Thị Dung nêu ý kiến về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Theo cử tri, việc bỏ khung giá đất của Luật Đất đai năm 2013 thay thế bằng bảng giá đất được xây dựng và cập nhật hàng năm. Điều này giúp bảng giá đất của các tỉnh, thành có thể sát giá đất thị trường, hạn chế phần nào việc kê khai giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá thị trường quá nhiều.
Tuy nhiên, việc sửa đổi sẽ làm gia tăng khối lượng công việc cho các cơ quan nhà nước liên quan. Bên cạnh đó, hiện quá trình xây dựng chính quyền điện tử, số hoá hoạt động của bộ máy vẫn chưa hoàn thiện, cơ sở dữ liệu giá đất đầu vào chưa đầy đủ và tính chính xác chưa cao, cho từng thửa đất chuẩn như được nêu trong dự thảo.
“Việc cập nhật, công bố thông tin bảng giá đất hàng năm có đảm bảo chính xác, minh bạch, kịp thời và công bằng giữa các địa phương, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân?”, cử tri Hồ Thị Dung đặt vấn đề.
Cử tri Hồ Thị Dung kiến nghị tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cử tri Dung kiến nghị trước hết cần xây dựng hoàn tất bản đồ địa chính số, cơ sở dữ liệu đất đai và cơ sở dữ liệu giá đất. Từ đó xây dựng một bảng giá đất hoàn thiện nhất có thể tại các địa phương, ưu tiên các địa phương đang là điểm nóng về đất đai, đảm bảo nhà nước không thất thoát thuế cũng như giảm được việc làm giá đất sốt ảo.
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, vừa qua, TPHCM đã tăng hệ số điều chỉnh giá đất. Lúc đầu cũng gặp nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia và cả các địa phương khác, song căn cứ vào Nghị quyết của Đảng, giá đất phải tiệm cận với giá thị trường nên thành phố mạnh dạn làm. Dù điều chỉnh cao nhất cũng chỉ tiệm cận được 52% giá thị trường nhưng khi triển khai nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân, nhiều dự án đã thuận lợi hơn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đơn cử như dự án đường Vành đai 3, nhiều địa phương đã và đang trao tiền hỗ trợ người dân. Đây là điểm sáng để TPHCM tiếp tục có những cách làm mới, đột phá để phát triển thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với cử tri quận 7. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng thông tin, dự kiến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV sẽ thông qua nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. TPHCM rất kỳ vọng nghị quyết được ban hành sẽ tạo nhiều cơ chế để thành phố phát triển vượt bậc.
Nhận diện điểm nghẽn để sửa chữa, đốc thúc cán bộ cống hiến
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng thông tin về tình hình trong nước và thế giới; sự cạnh tranh thị trường quốc tế ảnh hưởng đến kinh tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Theo đồng chí, ngoài yếu tố bên ngoài thì yếu tố bên trong cũng cản trở sự phát triển của thành phố. Đó là thủ tục hành chính để các hoạt động kinh tế, các dự án rất mất thời gian. Việc thực hiện Đề án 06 cũng là một trong những cản trở cụ thể trong hoạt động kinh tế - xã hội, làm dòng vốn đi vào sản xuất kinh doanh chậm đi. Về mặt chủ quan, thành phố đã nhận diện và nỗ lực để chuyển động hệ thống, nhìn ra điểm nghẽn về mặt quy trình, thể chế để kịp thời sửa chữa; đồng thời động viên, đôn đốc cán bộ, công chức, thậm chí là xử lý nhằm cải thiện tình hình.