Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố; Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện; Chủ tịch UBND 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn TPHCM.
Thiếu nhân sự công nghệ thông tin
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND phường 13 (quận 3) Bùi Hữu Huy Hoàng cho rằng, cần đổi mới công tác tuyên truyền về chuyển đổi số tại các phường. Ông kiến nghị TPHCM xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về chuyển đổi số tại các phường trong các khung giờ phát sóng để tuyên truyền đến đông đảo người dân.
Bên cạnh đó, Thành phố cần sớm đồng bộ kho dữ liệu dùng chung, kết nối đến các phường. Dẫn chứng hiện nay, các phường thực hiện Đề án 06, mặc dù chủ tịch UBND phường là Trưởng ban chỉ đạo về Đề án 06 ở các phường nhưng lại không thể tiếp cận được cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa nắm bắt được công việc cụ thể mà phải thông qua trưởng công an phường.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Ông Bùi Hữu Huy Hoàng cũng đề xuất UBND TPHCM có chương trình đào tạo kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng và thông tin cá nhân cho cán bộ, công chức phường. Hiện nay, người dân còn e ngại về việc khai thông tin tại các phường do sợ lộ thông tin cá nhân. Ngoài ra, TPHCM nên bố trí cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin cho các phường để đảm bảo công tác chuyển đổi số.
Chủ tịch UBND thị trấn Củ Chi Huỳnh Thị Hồng Vân đề nghị có giải pháp kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận chuyển đổi số; quan tâm đầu tư có sở hạ tầng cho các phường của huyện ngoại thành. Hiện cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa ở các phường ngoại thành chưa được quan tâm đúng mức; bổ sung chức danh công nghệ thông tin vào biên chế.
Cũng gặp khó khăn về công tác nhân sự thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch UBND phường 13 (quận Gò Vấp) Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, hiện phường giao công việc này cho cán bộ làm công tác văn phòng kiêm nhiệm thêm.
“Nếu xác định xây dựng đô thị thông minh và chuyển đổi số mang tính định hướng và lâu dài thì phải xem công nghệ số, chuyển đổi số là nhiệm vụ chuyên môn trong đề án vị trí việc làm, có quy định rõ ràng về các khung, mô tả chức danh công việc để phục vụ việc xây dựng đề án vị trí việc làm tại phường xã phù hợp”, bà Nguyễn Thị Minh Tâm kiến nghị.
Cùng với đó, bà Tâm kiến nghị điều chỉnh, bổ sung vào vị trí biên chế công chức văn phòng thống kê để thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số và đô thị thông minh hoặc tổ công nghệ cộng đồng tại địa phương.
Lãnh đạo UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Kiến nghị bổ sung chức danh công nghệ thông tin vào biên chế
Trao đổi lại với chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Võ Thị Trung Trinh cho biết, khó khăn chủ yếu của các phường hiện nay là việc mua sắm máy vi tính để bàn. Thời gian qua, việc mua sắm tập trung máy vi tính của thành phố có gián đoạn. UBND TPHCM đã yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp tham mưu đưa danh mục mua sắm máy vi tính để bàn ra khỏi danh mục mua sắm tập trung của thành phố và tiến hành các thủ tục hướng dẫn các đơn vị thực hiện tự mua sắm, dự kiến triển khai từ tháng 6-2023.
Về công tác nhân lực thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, bà Võ Thị Trung Trinh nhận định đây là bài toán rất lớn của TPHCM. Theo đó, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số không những thiếu ở cơ sở mà còn thiếu ở cấp sở ngành, quận huyện. Qua khảo sát, một quận, huyện, sở, ngành chỉ có 1-3 nhân lực phụ trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin và trong đó đã có 1 vị trí kiêm nhiệm là do phó văn phòng cấp sở hoặc UBND quận, huyện phụ trách.
Ở góc độ của Sở TT-TT, sở đang tập trung đào tạo để hỗ trợ lực lượng chuyên trách của các quận, huyện, sở ngành để triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số của thành phố. Đồng thời phối hợp với Bộ TT-TT cung cấp các tài liệu đào tạo trực tuyến, khóa đào tạo liên quan đến an toàn thông tin giao dịch trên môi trường số.
Các đồng chí chủ tịch phường, xã, thị trấn tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thông tin với các phường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, thời gian, Sở Nội vụ TPHCM đã tham mưu UBND TPHCM ban hành nhiều kế hoạch, các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyển đổi số của cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn.
Bên cạnh các lớp của UBND TPHCM, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cũng đề nghị các quận huyện chủ động mở các lớp bồi dưỡng phù hợp nhu cầu thực tiễn của địa phương.
Về vấn đề thi tuyển công chức cấp xã, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ, khi TPHCM thực hiện chính quyền đô thị, công chức phường phải do UBND TPHCM tổ chức thi tuyển. Vừa qua, Sở Nội vụ TPHCM cũng thông báo thi tuyển cán bộ công chức cho các phường. Không chỉ vậy, UBND TPHCM đã phân cấp về cho UBND TP Thủ Đức tổ chức thi tuyển công chức cấp phường, sau khi có sơ kết, đánh giá kết quả, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND TPHCM nhân rộng thực hiện.
Về đề xuất bổ sung cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số tại các phường, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, hiện nay TPHCM cũng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét bổ chức chức danh công nghệ thông tin vào văn phòng thống kê cấp phường khi sửa đổi Nghị định 34. Về phía Thành phố, UBND TPHCM cũng đề xuất cho phép được tự cơ cấu số lượng, quy mô cán bộ, công chức theo số dân, địa bàn, đặc thù kinh tế của địa phương tại nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
TPHCM đang xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm
Đối với kiến nghị của chủ tịch các phường về khắc phục tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn của một bộ phận cán bộ, công chức thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, hiện Thành ủy, UBND TPHCM đã có kế hoạch chi tiết để khuyến khích, động viên cán bộ năng động, sáng tạo, hiến kế vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị. Đến nay, thành phố đã có 33 đề án do các sở, ngành, quận, huyện đăng ký thực hiện đột phá, vận dụng pháp luật để tổ chức thực hiện tốt những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.
Về cơ chế khuyến khích, UBND TPHCM đã giao Sở Nội vụ tham mưu quy định về khuyến khích cán bộ công chức. Trong đó, quan tâm các cơ chế phân công giao việc, bổ nhiệm để triển khai thực hiện đề án; đưa vào quy hoạch để phát triển cao hơn; đào tạo trong nước và nước ngoài. Cán bộ nào năng động, sáng tạo được sự đồng ý của cấp ủy, triển khai đề án có hiệu quả sẽ được hưởng các chính sách trên. Ngoài ra, có thể được khen thưởng vượt cấp, khen thưởng đột xuất mà không chờ đợt khen thưởng định kỳ.
Thành phố đang đề xuất cho các quận, phường trở lại làm cấp ngân sách
Chủ tịch UBND phường ĐaKao (quận 1) Đỗ Hữu Cường, cho rằng, hiện nay, đội ngũ cộng tác viên trật tự đô thị có vai trò rất lớn tại các phường nhưng thu nhập thấp, chỉ khoảng 3-3,5 triệu đồng/tháng, không có phụ cấp gì thêm. Thu nhập thấp nhưng đội ngũ này lại gánh vác khối lượng công việc rất nặng nề. Không chỉ vậy, đây là đội ngũ thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp, với mức thu nhập thấp sẽ tạo nguy cơ tham nhũng vặt.
Do đó, ông Đỗ Hữu Cường đề nghị UBND TPHCM có chính sách hỗ trợ cho lực lượng này. Ngoài ra, hiện số lượng cộng tác viên trật tự đô thị hạn chế, làm việc hết công suất nhưng không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, do đó cần tính toán bố trí thêm để đảm bảo được an ninh trật tự.
Đặt thêm vấn đề, Chủ tịch UBND phường ĐaKao nêu khó khăn khi hiện nay, các phường ở 16 quận thực hiện chính quyền đô thị trở thành cấp dự phòng ngân sách. Việc này khiến các quận thiếu kinh phí trong điều hành phát triển. Dẫn chứng, ông Đỗ Hữu Cường cho biết, hiện nay nếu cán bộ phường nghỉ việc, trợ cấp thôi việc chỉ mười mấy triệu đồng nhưng UBND phường cũng phải làm văn bản xin cấp trên. Ông đề nghị TPHCM có chính sách bố trí cho phường gói ngân sách dự phòng để kịp thời chi cho các nhiệm vụ cấp bách ở cơ sở.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận đây là bất cập khi TPHCM thực hiện chính quyền đô thị, các quận phường đang bị động về ngân sách. Vừa qua, TPHCM đề xuất phân bổ cho mỗi quận gói ngân sách điều hành khoảng 30-70 tỷ đồng, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện được. Do đó, tại nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, UBND TPHCM có đề nghị cho các quận phường quay trở lại làm cấp ngân sách thay bằng cấp dự phòng như hiện nay.
Trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở, Sở KH-CN TPHCM Võ Hưng Sơn cho biết, hiện nay, khối lượng công việc của UBND phường rất lớn. Thống kê cho thấy, lãnh đạo một phường phải thực hiện 500 báo cáo/năm và dự 5-7 cuộc họp/tuần. Điển hình năm 2022, UBND một phường ở quận 10 đã ban hành 730 văn bản, 1.513 quyết định hành chính. Tuy nhiên hiện nay, nhân lực, trang thiết bị, kinh phí ở các phường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, hình thức làm việc ở các phường vẫn chủ yếu thủ công, chưa có sự hỗ trợ nhiều của công nghệ.
Theo ông Võ Hưng Sơn, các chương trình chuyển đổi số, đô thị thông minh đang được thành phố triển khai theo hướng từ trên xuống dưới. Do đó, Sở KH-CN đề xuất nghiên cứu mô hình chuyển đổi số từ dưới lên, tức thực hiện từ một phường cụ thể trước. Nghiên cứu này dựa trên việc phân tích mối quan hệ giữa phường và người dân, phường với quận huyện. Từ đó, Sở KH-CN sẽ đề xuất quy trình tối ưu hóa công việc của phường bằng công nghệ số. Các cơ sở dữ liệu tại phường phải kết nối với cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố. Mục tiêu đến năm 2030, đa số các phường trên địa bàn TPHCM được xem là “Phường thông minh”.