Cùng chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.
Doanh nghiệp (DN) khó khăn thì chính quyền cùng chia sẻ
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đi sâu phân tích về “cú sốc” Covid-19 tác động đến kinh tế - xã hội TPHCM. Đồng chí dẫn chứng, tăng trưởng ở TPHCM những năm vừa qua, năm sau đều cao hơn năm trước và đều đạt trên 8%. Từ mức tăng trưởng bình quân hơn 8%, bây giờ mức tăng trưởng chỉ còn 2% trong 6 tháng đầu năm 2020. Nhìn nhận không riêng TPHCM bị tác động mà kinh tế cả nước, kinh tế toàn cầu đều bị tác động, nhưng "tại sao TPHCM lại giảm sút mạnh?” – là vấn đề người đứng đầu Chính quyền TPHCM trăn trở.
Lý giải việc sút giảm mạnh, đồng chí Nguyễn Thành Phong chỉ ra 2 lý do. Trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM, dịch vụ chiếm hơn 60%. “Cơn sốc” của Covid-19 đã tác động mạnh đến dịch vụ, đặc biệt là du lịch, và kéo theo là dịch vụ lưu trú, khách sạn, ăn uống… Năm 2019, TPHCM đón 8,6 triệu lượt du khách với thời gian lưu trú bình quân 3,5 ngày/người, mỗi du khách chi tiêu khoảng 150 USD/ngày. Giờ đây, du khách quốc tế đến TPHCM ước đạt 1,3 triệu lượt người (giảm 70%). Khách du lịch giảm sút đã ảnh hưởng đến tổng cầu kinh tế.
Bên cạnh ngành dịch vụ bị ảnh hưởng, Chủ tịch UBND TPHCM cũng chỉ ra lý do tác động mạnh mẽ thứ hai là “tình trạng DN dễ bị gãy đổ vì “cơn bão” Covid-19”, bởi hơn 90% DN ở TPHCM là DN nhỏ và vừa, các DN có số vốn từ 100 tỷ đồng trở lên chỉ chiếm hơn 2% tổng số DN.
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ của TPHCM từ nay đến cuối năm 2020 là “nhiệm vụ kép” – vừa phòng chống dịch Covid-19, không chủ quan và không để dịch bùng phát trở lại; vừa phục hồi kinh tế sau dịch.
Để phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh công việc quan trọng nhất hiện nay với sở, ngành, quận, huyện là hỗ trợ DN.
Dẫn chứng từ Viện nghiên cứu Phát triển TPHCM cho thấy, 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế tại TPHCM có 3 mức tăng trưởng lần lượt là 3%, 4% và 5%. Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận định: “TPHCM nỗ lực cao nhất mới có thể đạt mức tăng trưởng 5%, rất khó có thể duy trì tỷ lệ như dự kiến ban đầu là tăng trưởng hơn 8%”.
Vì thế, trong 6 tháng cuối năm 2020, Tổ công tác hỗ trợ DN, thường trực là Sở KH-ĐT TPHCM, phải đề xuất các biện pháp hỗ trợ DN thật hiệu quả theo từng giai đoạn, từng tháng, từng quý; Sở KH-ĐT làm việc với Ban quản lý Các Khu chế xuất – Khu công nghiệp TPHCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM nắm sát, dự báo tình hình DN ngừng hoạt động, bao nhiêu người lao động mất việc, từ đó có giải pháp hỗ trợ, không để DN ngưng hoạt động. Từng quận, huyện nên gặp gỡ, trực tiếp trao đổi với DN xem các DN có khó khăn cụ thể ra sao, từ đó quyết liệt đưa ra giải pháp bám sát, chứ không nói chung chung.
“Hơn bao giờ hết, trong lúc DN khó khăn thì chính quyền cùng chia sẻ. Nói đồng hành cùng DN là đồng hành những lúc khó khăn như thế này. Cũng không thể nói chung chung “tăng cường, hỗ trợ”, mà cần hành động bằng cách gặp DN trao đổi cụ thể các vấn đề về thuế, vốn, hỗ trợ kế nối ngân hàng ra sao…”, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu.
Từ ngày 1-8, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đặt ra yêu cầu đối với các sở, ngành, quận, huyện phải tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho DN trong và ngoài nước.
Không vì khó khăn mà bỏ quên trách nhiệm
Nhiệm vụ quan trọng thứ hai Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện tập trung là giải ngân vốn đầu tư công. Đồng chí đánh giá, giải ngân vốn đầu tư công vốn là nhiệm vụ rất quan trọng và trong điều kiện hiện nay thì đặc biệt quan trọng, vì giải ngân mạnh thì tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành, quận huyện trước ngày 15-10 phải đạt tỷ lệ giải ngân trên 80% và cuối năm 2020 đạt tỷ lệ trên 95% như TPHCM đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: “đây là trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện, Thủ trưởng các đơn vị cùng huy động hệ thống chính trị để đẩy nhanh công tác giải ngân”.
Liên quan đến việc này, đồng chí Nguyễn Thành Phong giao Sở KH-ĐT phải xác định trước ngày 15-10, những dự án nào sẽ khởi công; công trình nào khởi công cuối năm 2020, đầu năm 2021.
“Cần rà lại và giao trách nhiệm cụ thể cho ngành nào chịu trách nhiệm. Phải xác định tên, địa chỉ, trách nhiệm cụ thể, ai chịu trách nhiệm rõ ràng”, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu.
Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong đặt ra yêu cầu đẩy mạnh thị trường du lịch nội địa, Sở Du lịch TPHCM cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết giữa TPHCM và các tỉnh, thành. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng đánh giá hiện nay, xu hướng kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng phát triển kinh tế số của TPHCM. Vì thế, Sở TT-TT TPHCM cần thống kê các ngành nào kinh tế số đã phát triển và phát triển ra sao để triển khai cụ thể chương trình chuyển đổi số.
Liên quan đến thu chi ngân sách, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, tuần tới, UBND TPHCM sẽ làm việc với ngành tài chính để kiểm soát chặt chẽ thu chi ngân sách, tăng biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tăng cường thu thuế nợ đọng, tiết kiệm chi…
“Từ đó, phải tập trung vào các nguồn thu như thế nào trên địa bàn TP để có thể đạt được dự toán được giao. TPHCM nỗ lực làm hết sức mình, chứ không phải vì khó khăn mà bỏ quên đi trách nhiệm của TP, mà càng khó khăn thì càng ý thức trách nhiệm nặng nề của TP với nhân dân TP và cả nước”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
DN điều chỉnh chiến lược, sản xuất phục vụ thị trường trong nước
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) dự ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 615.000 tỷ đồng (giảm 3,7% so với cùng kỳ; cùng kỳ tăng 12,2%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 403.500 tỷ đồng (tăng 10%). Ngành bán lẻ duy trì tốc độ tăng trưởng (10%) nhờ 4 yếu tố về nguồn cung sản phẩm, hành vi tiêu dùng – tăng mua sắm trực tuyến, hệ thống phân phối và chương trình khuyến mãi. Tình hình doanh thu các ngành dịch vụ khác (dịch vụ lưu trú và ăn uống, dịch vụ lữ hành, dịch vụ khác), có xu hướng giảm.
Hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được TPHCM quan tâm đẩy mạnh nhằm tạo tính hiệu quả, lan tỏa trong việc quảng bá hình ảnh du lịch TPHCM đến với du khách, nhất là giai đoạn tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch TP chịu những tác động nghiêm trọng, trực tiếp đến nhiều DN và người lao động trong lĩnh vực này. Trong 6 tháng đầu năm, du khách quốc tế đến TPHCM ước đạt 1,3 triệu lượt người (giảm 70%); tổng doanh thu ước đạt 28.400 tỷ đồng (giảm 58%).
Phân tích tình hình sản xuất công nghiệp, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM 6 tháng đầu năm ước tăng 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7%). Trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu (tăng 2%) thì ngành cơ khí giảm 12%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng gần 18% - là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu nhờ đơn hàng sản xuất nhiều, thị trường tiêu thụ ổn định và các doanh nghiệp thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới; ngành hóa chất – cao su – nhựa tăng 9% do nhu cầu về sản phẩm tẩy rửa vệ sinh gia tăng để phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, ngành chế biến tinh lương thực, thực phẩm tăng 3,3% và là điểm sáng của ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm. Nhiều DN của TPHCM đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, sản xuất chủ yếu cho thị trường trong nước thay vì xuất khẩu. Việc tăng tốc sản xuất, tăng doanh thu trong thời điểm hậu dịch bệnh góp phần quan trọng vào việc hạn chế suy giảm của ngành công nghiệp.
Về tình hình phát triển DN, Giám đốc Sở KT-ĐT TPHCM cho hay, TP có gần 18.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 246.000 tỷ đồng (bằng 89% số lượng doanh nghiệp và 75% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Có 2.500 DN hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 11%); hơn 8.300 DN tạm ngưng hoạt động (tăng 40%) so với cùng kỳ. Số DN giải thể và tạm ngưng hoạt động quý 2 tăng cao so với cùng kỳ do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng này có thể tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai cũng cho biết nhiều tín hiệu tích cực: tổng vốn đầu tư công đã giải ngân đạt gần 14.300 tỷ đồng (34%), cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ giải ngân so với cùng kỳ. TPHCM thu hút được 2 tỷ USD (bằng 65% so với cùng kỳ), đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 20,7 tỷ USD (tăng 5,8% so với cùng kỳ; cùng kỳ tăng 9,2%).
Cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành cho đầu tư phát triển Báo cáo về tình hình thu chi ngân sách, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phạm Thị Hồng Hà thông tin, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 164.500 tỷ đồng, đạt 40,5% so với dự toán, bằng gần 87% so với cùng kỳ. Bà Phạm Thị Hồng Hà đánh giá, công tác điều hành ngân sách 6 tháng cuối năm 2020 là vấn đề hết sức khó khăn của TPHCM. Vì vậy, để thực hiện đảm bảo nhiệm vụ chi, tiếp tục nuôi dưỡng nguồn thu trong 6 tháng cuối năm, TP tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kích cầu, triển khai các chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch nội địa để tạo nguồn thu cho ngân sách TP. Đồng thời, TP đẩy mạnh công tác sắp xếp nhà đất do TP quản lý; đối với những nhà đất đã phê duyệt phương án đấu giá, TP sẽ đẩy mạnh việc đấu giá để tạo nguồn thu cho TP; giao Cục Thuế TP, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các dự án đủ điều kiện mà chưa nộp tiền sử dụng đất để triển khai tập trung thu trong 6 tháng cuối năm. Mặt khác, TPHCM cũng đẩy mạnh tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi không cần thiết để dành nguồn chi đầu tư vào các lĩnh vực cần thiết. Cùng với tiết kiệm khoản chi không cần thiết, TPHCM tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư nhằm kích thích sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. |