Trước những khó khăn, vất vả của lực lượng phòng chống dịch Covid-19 đã khiến người dân càng trân quý giờ phút dỡ bỏ phong tỏa hơn bao giờ hết. Ngay khi tiếng loa thông báo vang lên, người dân đồng loạt vỗ tay reo hò, cùng nhau phất cờ và đốt pháo sáng ăn mừng…
Mặc dù TP Đà Nẵng đã qua 9 ngày không phát hiện ca mắc mới trong cộng đồng, nhưng điều đó không có nghĩa là thành phố đã “sạch” virus SARS-CoV-2.
TP Đà Nẵng vẫn xác định 3 vòng kiểm soát với các biện pháp phù hợp như thiết lập các chốt kiểm soát phòng chống dịch ở bến xe, bến tàu, các cửa ngõ ra - vào thành phố từ ngày 28-5; tiếp tục siết chặt các khu cách ly, phong tỏa, thực hiện linh hoạt các biện pháp phong tỏa mềm, phong tỏa cứng; tiếp tục xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 30% đại diện hộ gia đình và hơn 52.000 lao động tại các khu công nghiệp.
Ngày 27-5, ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có văn bản cho phép phép dịch vụ vận chuyển hoạt động trở lại kể từ 6 giờ ngày 28-5. Tuy nhiên, để hoạt động, Đà Nẵng yêu cầu người điều khiển phải được xét nghiệm lần 1 âm tính với SARS-CoV-2, khai báo y tế điện tử hàng ngày, mở ứng dụng Bluezone thường xuyên khi hoạt động. Hoạt động vận chuyển không quá một nửa số khách trên xe theo quy định.
Ngay khi có thông tin ca bệnh là công nhân Công ty Trường Minh, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, lãnh đạo quận trực tiếp đến hiện trường và chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó thần tốc theo đúng kịch bản, phương án phòng chống dịch.
Đó là khoanh vùng, tổ chức phong tỏa các khu vực dân cư trước cổng của Khu công nghiệp An Đồn và phong tỏa mềm các đơn vị doanh nghiệp, nhất là lấy mẫu xét nghiệm thần tốc với khoảng 22.000 mẫu/ngày.
Trong những lúc căng thẳng, cả hệ thống chính trị và toàn dân TP Đà Nẵng đã nhanh chóng vào cuộc chống dịch một cách quyết liệt bởi đây là thời gian vàng trong truy vết, khoanh vùng dập dịch.
Từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đến Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường, các lực lượng y tế, an ninh, tình nguyện viên, tổ phòng chống Covid-19... lại trải qua những đêm không ngủ để đến tận điểm nóng chỉ đạo chống dịch.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Vũ Quang Hùng, Bí thư quận ủy Hải Châu, nơi xuất phát 2 ổ dịch lớn là thẩm mỹ viện Amida và bar New Phương Đông, cho biết: Ngay khi xuất hiện ca mắc đầu tiên, rút kinh nghiệm từ những đợt dịch trước, quận Hải Châu kích hoạt hệ thống phòng chống dịch ngay lập tức để truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm thần tốc. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, không còn ca mắc trong cộng đồng. Thời gian tới, quận Hải Châu cân nhắc tham mưu cấp trên từng bước nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 một cách thận trọng để sớm ổn định đời sống người dân, tập trung phát triển kinh tế.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, trước mắt, Đà Nẵng nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19 như cho hoạt động lại dịch vụ taxi, xe vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi, xe công nghệ và lực lượng shiper. Mặc dù dịch cơ bản đã được kiểm soát, song Đà Nẵng luôn thận trọng trong từng bước nới lỏng và cảnh báo người dân không được chủ quan.
Để tiếp tục công tác phòng chống dịch, Đà Nẵng kích hoạt lại các chốt kiểm dịch cửa ngõ ra – vào thành phố. Đà Nẵng cố hết sức để sớm ổn định đời sống nhân dân nhưng đặt an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết.