Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: Có thể nói Đà Nẵng là một trong những thành phố trọng điểm của miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng, do vậy, dù thành phố luôn luôn trong trạng thái chủ động phòng vệ với nhiều biện pháp tích cực, nhưng vẫn phải đối phó với những đợt bùng phát dịch bệnh liên tiếp.
Trước đây, với sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ, tích cực của các ngành chuyên môn, Đà Nẵng đã triển khai tốt phương châm phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng nhằm truy vết hiệu quả các ca mắc Covid-19 đồng thời duy trì cơ bản các hoạt động kinh tế - xã hội.
Nhưng từ ngày 10-7-2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại cộng đồng, số ca mắc có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là tại các khu vực: chợ đầu mối thủy hải sản, nông sản, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp; các hẻm, kiệt, khu phố nhỏ, chật chội, mật độ dân cư đông đúc; các ca bệnh có tính chất gia đình, hàng xóm và đồng nghiệp... Chỉ từ ngày 10 đến 30-7, Đà Nẵng đã ghi nhận 633 ca nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát tại nhiều tỉnh thành phía Nam, buộc thành phố Đà Nẵng phải gấp rút đặt ra những biện pháp mạnh nhất từ trước đến nay nhằm chặn sự lây lan của dịch bệnh.
- Để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 bằng các biện pháp mạnh chưa từng có như hiện nay, công tác chuẩn bị của Đà Nẵng gặp những khó khăn và thuận lợi gì, thưa ông?
Nói về thuận lợi, thì như tôi đã nói, Đà Nẵng có được sự phối hợp hết sức hiệu quả đồng bộ, giữa các cơ quan chức năng, các đơn vị, địa phương; năng lực xét nghiệm của thành phố Đà Nẵng cũng là một lợi thế để Đà Nẵng tự tin triển khai các biện pháp mạnh trong thời gian ngắn để truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Ngoài ra, phải kể đến vai trò rất lớn của các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm, đã ủng hộ chủ trương của thành phố Đà Nẵng; tham gia tích cực trong việc hỗ trợ các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện vận chuyển, công tác điều trị, đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân.
Và điều thuận lợi nhất, quan trọng nhất, quyết định sự thành công của các biện pháp chống dịch của thành phố Đà Nẵng chính là sự đồng lòng, ủng hộ và thực hiện hết sức trách nhiệm của người dân thành phố Đà Nẵng. Tất nhiên, để có được sự đồng lòng đó, chính quyền từ cấp thành phố Đà Nẵng đến cơ sở đều phải sát dân, lắng nghe và hỗ trợ xử lý các bức xúc, các nhu cầu thiết yếu của người dân, tạo được niềm tin cho nhân dân.
Việc cung ứng hàng hóa thiết yếu thông qua ban điều hành khu dân cư, khu chung cư, tổ dân phố cũng đặt ra một số vấn đề như địa phương nào có ban điều hành tốt thì việc giao hàng cho người dân được kịp thời và ngược lại; hay như việc triển khai các chính sách về an sinh xã hội đối với người lao động sống tại các khu nhà trọ không có đăng ký tạm trú cũng có những cách hiểu khác nhau của cán bộ cơ sở hoặc có những trường hợp phát sinh trong thực tế mà chưa được quy định cụ thể nên khó khăn trong triển khai chi hỗ trợ.
Việc triển khai phương thức “3 tại chỗ”, “một cung đường 2 điểm đến” gặp khó khăn do chi phí vận hành gia tăng và phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho người lao động. Việc kiểm soát, giám sát người dân không ra khỏi nhà, nhất là tại các kiệt, hẻm nhỏ, khu chung cư còn gặp nhiều khó khăn.
Những khó khăn vướng mắc được Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố Đà Nẵng tiếp nhận và xử lý kịp thời tại các buổi họp giao ban hằng ngày.
Trong đó, việc cung cấp lương thực, thực phẩm đã được thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, tháo gỡ như tổ chức mua và phân phối 50.000 suất hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ cho các hộ dân khó khăn; cho phép các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối được bố trí tối đa 100% số người làm việc; cho phép hoạt động giao nhận hàng hóa thuộc các đơn vị cung ứng hàng hóa và những người giao hàng công nghệ (shipper) được hoạt động; mở lại hoạt động một số dây chuyền Lò mổ Đà Sơn; tổ chức 90 điểm bán hàng thiết yếu (trong đó 30 điểm bán do Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức), các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa... trên nguyên tắc phải đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các phường, xã huy động, bổ sung thêm lực lượng thanh niên, phụ nữ, tình nguyện viên để hỗ trợ ban điều hành khu dân cư trong việc mua sắm lương thực, thực phẩm cho người dân.
Bên cạnh đó, thông qua báo chí, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, chính quyền địa phương cũng sớm nắm bắt thông tin, xử lý và hỗ trợ kịp thời từng trường hợp cụ thể.
- Để có được kết quả trong phòng, chống dịch Covid-19 thành công như gần 2 năm qua với nhiều đợt dịch phức tạp, điều quan trọng nhất là sự đồng thuận, đồng lòng và cả sự hy sinh của người dân, doanh nghiệp và cán bộ TP Đà Nẵng. Vậy trong đợt phòng, chống dịch lần này, ông nhắn nhủ gì với người dân, doanh nghiệp và cán bộ TP Đà Nẵng?
Đà Nẵng đã trải qua hơn 1 tháng áp dụng những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Cả thành phố Đà Nẵng gần như “đứng yên” với phương châm “ai ở đâu thì ở đó”, hầu hết các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải tạm dừng hoạt động. Tất cả để tập trung cho công tác khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm nhằm nhanh chóng đưa các ca mắc Covid-19 ra khỏi cộng đồng. Việc này chắc chắn sẽ tạo ra những khó khăn nhất định trong đời sống sinh hoạt người dân, sẽ gây ra những tổn thất về kinh tế đối với doanh nghiệp.
Đà Nẵng đã triển khai nhiều biện pháp song song nhằm đảm bảo về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt chú ý đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Nhưng với khối lượng công việc lớn, tình huống lần đầu tiên triển khai thực hiện nên đôi lúc, đôi nơi vẫn có sự lúng túng, chậm trễ gây phiền lòng người dân.
Nhưng những nỗ lực của tất cả chúng ta đã đem lại những kết quả bước đầu, phát hiện và đưa được số lượng lớn F0 ra khỏi cộng đồng. Tôi xin cảm ơn các cơ quan, đơn vị Trung ương, địa phương, các đoàn thể và các lực lượng trên địa bàn; cảm ơn đội ngũ ngành y tế thành phố Đà Nẵng, các cơ quan truyền thông, báo chí… tất cả đã đồng hành, đồng cam cộng khổ vì sự sức khỏe và sự bình an của nhân dân; cảm ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất, tinh thần của các tổ chức, doanh nghiệp, của người dân trên cả nước. Đặc biệt, xin cảm ơn người dân và cộng đồng doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng đã đồng lòng, ủng hộ, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định, biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua.
Tuy nhiên, nguy cơ, diễn biến dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp buộc thành phố Đà Nẵng vẫn phải cân nhắc, tiếp tục áp dụng các biện pháp thắt chặt các hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19. Các hoạt động kinh doanh, sản xuất, các hoạt động xã hội sẽ từng bước được mở lại với những bước thận trọng. Đà Nẵng sẽ nỗ lực cao nhất trong khả năng để tìm kiếm nguồn vaccine, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân thành phố Đà Nẵng.
Tôi mong muốn người dân chia sẻ với những khó khăn, nỗ lực của các lực lượng chức năng, các địa phương, đặc biệt là các ban điều hành khu dân cư, tổ dân phố. Đồng thời, đề nghị các đơn vị, địa phương luôn lắng nghe ý kiến, góp ý của người dân để cố gắng nhiều hơn nữa, vận hành tốt hơn nữa, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm đảm bảo công tác an sinh tại các khu dân cư. Chúng tôi hiểu sâu sắc rằng, lòng dân có an thì mới đồng hành cùng chính quyền thành phố trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.
Với tinh thần đoàn kết, chia sẻ và đồng hành, tôi tin tưởng rằng, chúng ta sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh, mỗi người dân, cán bộ, chiến sĩ sẽ được gặp lại gia đình, những người thân yêu dù chỉ ở trong cùng một thành phố nhưng phải xa nhau vì dịch bệnh; người dân thành phố Đà Nẵng sẽ sớm trở lại nhịp sống thường nhật như vốn có và sẽ tiếp tục với những kế hoạch, dự định tươi đẹp mà mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cả thành phố Đà Nẵng đã đặt ra.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!