Đây là lần đầu tiên, ông Phan Ngọc Thọ trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (từ tháng 6-2018 đến nay) trực tiếp đi thị sát để có cái nhìn thấu đáo, hiểu kỹ hơn về cuộc sống khó khăn cũng như tâm tư nguyện vọng của hàng ngàn hộ dân đang sống “treo” quanh di sản của thế giới là khu vực Kinh thành Huế.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã trực tiếp đi khảo sát tại Hộ thành hào đường Trần Huy Liệu; Khu vực Thượng thành và eo bầu thuộc các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc và phường Thuận Lộc của TP Huế. Đây là các điểm thuộc khu vực I di tích Kinh thành Huế và hiện có khoảng 3.800 hộ dân sinh sống.
Áp lực dân cư là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện kế hoạch bảo tồn trùng tu tôn tạo di tích, cũng như có nguy cơ làm hư hỏng nghiêm trọng hiện trạng kiến trúc công trình Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới từ năm 1993. Do vậy, việc di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là một trong những nhiệm vụ, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên-Huế trong năm 2018 đã được Thủ tướng Chính phủ có chủ trương thực hiện tại Thông báo 26/TB-VPCP ngày 17-1-2018.
Song trên thực tế, phần lớn các hộ dân sinh sống tại đây thuộc diện phải di dời, giải tỏa tại đây đều là các hộ nghèo đang sống trong những ngôi nhà ở dột nát, xuống cấp, môi trường không đảm bảo vệ sinh. Nhiều gia đình có đến hai, ba thế hệ sống chen chúc trong căn nhà chật chội, cũ nát, khó có đủ khả năng làm nhà mới nếu chỉ được chính quyền địa phương hỗ trợ về phần đất ở.
Xuyên suốt đợt khảo sát, ghi nhận tâm tư nguyện vọng của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ đã chia sẻ với các hộ dân khi phải sinh sống trong điều kiện nhà ở có chất lượng thấp kéo dài nhiều năm qua. Đồng thời, đề nghị các sở, ngành liên quan, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, UBND thành phố Huế sớm rà soát lại các thủ tục liên quan; thẩm định thật chính xác, cụ thể đảm báo tính pháp lý; hoàn thiện đề án, khung chính sách, cơ chế giải phóng mặt bằng để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực di tích Kinh thành Huế.
“Lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở trước những khó khăn của các hộ dân sinh sống nơi đây. Tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp, những chính sách hỗ trợ để sớm đưa các hộ dân đến sống ở khu vực mới, có điều kiện cuộc sống tốt hơn”, ông Phan Ngọc Thọ còn mong muốn, khi Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và chính quyền TP Huế đủ điều kiện để giải tỏa khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, di dời người dân đến một nơi ở tốt hơn, rất mong người dân hưởng ứng, đồng thời vận động những người có cùng cảnh ủng hộ.
Kinh Thành Huế là một công trình di tích có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan môi trường và quân sự. Công trình được triều đại nhà Nguyễn quy hoạch và xây dựng trong thời gian 30 năm (từ năm 1803 đến năm 1832), rộng hơn 500ha bao gồm nhiều hạng mục như: hộ thành hào, tuyến phòng lộ, tường thành, 24 eo bầu, Kỳ đài, Trấn Bình đài (Mang cá nhỏ) và mười cổng thành. Bên trong, Kinh thành thuộc 4 phường: Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc và bên ngoài thuộc 3 phường tiếp giáp: Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thuận. Hiện Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế được giao xây dựng đề án di dời dân cư, giải phóng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế. Kết quả chuyến khảo sát của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ lần này sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra kế hoạch và phương án di dời các hộ dân trong khu vực. |
Sống "treo" trên di tích là cụm từ người ta nhắc đến những hộ dân cư ở các phường nội thành như Thuận Thành, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Tây Lộc, Phú Bình, Phú Thuận và Phú Hòa (TP Huế) bao bọc chung quanh khu vực Kinh thành và Ðại nội Huế. Khi quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khu vực Thượng Thành - Eo Bầu trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Song từ trước năm 1975, nhiều hộ dân đã chọn Thượng Thành - Eo Bầu làm nơi cư ngụ. Ða số, họ đều là dân lao động nghèo, con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng vẫn không có khả năng tách hộ, phải sống chen chúc dưới những mái nhà tạm bợ. |