Ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu tập trung phòng chóng các loại tội phạm thông qua môi trường mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo, tội phạm tín dụng đen, trong đó có loại tội phạm tín dụng đen cho vay trên mạng.
“Gần đây nhất, có một cô giáo dạy ở TP Cà Mau vay tiền trên mạng rồi bị “khủng bố”, không chỉ gọi cho người vay mà còn gọi rất nhiều giáo viên trong trường, thậm chí có giáo viên bị gọi và nhắn tin đến mấy trăm lần một ngày. Cái này không thể chấp nhận được, cần xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tiến Hải cũng yêu cầu xử lý các đối tượng lợi dụng môi trường mạng để thông tin sai sự thật, gây hoang mang, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân như: thông tin sai sự thật cá sấu khủng nổi trên sông, ăn sò lụa đỏ tử vong…
Như báo SGGP đã thông tin, cô L.T.T.L., công tác tại Trường THCS và THPT Lý Văn Lâm (TP Cà Mau), trong lúc túng quẩn và thiếu nợ, đã vay tiền online. Cô L. đã vay online với nhiều loại hình khác nhau từ 3,5 đến 6 triệu đồng. Từ tháng 7-2019, cô L. không có khả năng đóng lãi cũng như vốn (khoảng 20 triệu đồng).
Sau đó, một công ty thông báo: “Cảnh giác lừa đảo - trốn nợ” và thông tin này lan truyền trên mạng xã hội facebook, zalo... với nội dung: “Đối tượng” L. và 4 “đồng phạm” đang lợi dụng sự tín nhiệm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở nhiều nơi.
Kèm theo thông tin trên là hình ảnh, điện thoại của 4 cô giáo đang công tác tại Trường THCS và THPT Lý Văn Lâm. Thậm chí cô L. còn bị đưa cả số chứng minh nhân dân.
Sau khi thông tin lan truyền trên mạng thì nhiều cô giáo bị “khủng bố” cho rằng bị xúc phạm danh dự, bị kích động tinh thần, không thể an tâm công tác nên 4 cô giáo bị "khủng bố" đã làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng, công an can thiệp, bảo vệ quyền lợi và hình ảnh người giáo viên.