Ông Lee nhập viện cách đây hơn 6 năm sau cơn đột quỵ. Ông là nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai của một tập đoàn do gia đình kiểm soát hay còn gọi là Chaebol của Hàn Quốc.
Theo Yonhap, năm 1993, Lee Kun-hee công bố triết lý kinh doanh nhãn hiệu đầu tiên của mình, “Sáng kiến quản lý mới”, được Samsung áp dụng như một học thuyết cho đến nay. Câu nói nổi tiếng nhất từ triết lý đó hình thành qua gần 3 tháng họp với các CEO được triệu tập ở châu Âu và Nhật Bản, là “Hãy thay đổi mọi thứ trừ vợ và con của bạn”.
Dưới sự lãnh đạo của ông, Samsung có nhiều chi nhánh, bao gồm nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới Samsung Electronics và công ty bảo hiểm Samsung Life Insurance. Gã khổng lồ công nghệ này cũng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, có khách hàng bao gồm Apple; các nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn và công ty công nghệ toàn cầu khác.
Samsung đứng ở vị trí trung tâm của nền kinh tế Hàn Quốc, với các lô hàng xuất đi của họ chiếm hơn 20% tổng giá trị xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Tài sản của tập đoàn ở mức 8.000 tỷ won (6,9 tỷ USD) vào thời điểm ông Lee lãnh đạo Samsung vào năm 1987 và hiện ước tính hơn 400.000 tỷ won, gấp 50 lần. Quyền lãnh đạo Samsung giờ đây được chuyển giao lại cho Phó chủ tịch Lee Jae-yong, con trai duy nhất của ông Lee Kun-hee, hiện bị truy tố về tội gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu để sáp nhập hai đơn vị của tập đoàn nhằm tạo điều kiện kế vị cha mình.
Ông Lee Kun-hee cũng bị tòa án Seoul kết án vào tháng 7-2008 vì cáo buộc gian lận tài chính và trốn thuế. Tòa án đã phạt ông 110 tỷ won (98 triệu USD) và 3 năm tù treo.
Tuy nhiên, vào ngày 29-12-2009, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung - bak đã ân xá cho ông Lee, nói rằng mục đích của việc ân xá là để ông Lee tiếp tục tham gia Ủy ban Olympic Quốc tế. Vào ngày 24-3-2010, ông Lee tuyên bố trở lại Samsung Electronics với vai trò là chủ tịch tập đoàn. Tài sản của ông ước tính 20.000 tỷ won (hơn 17 tỷ USD).