Chúc mừng ông Kamal Malhotra đã có một nhiệm kỳ thành công, góp phần thúc đẩy hoạt động của Việt Nam trong Liên hợp quốc cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp ngày càng thực chất đối với hoạt động của Liên hợp quốc. Trong đó, Việt Nam đã có hai nhiệm kỳ đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021).
Cùng với đó, Việt Nam cũng được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là quốc gia có trách nhiệm trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn Liên hợp quốc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong việc tiếp cận vaccine thông qua cơ chế COVAX. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận Liên hợp quốc đã có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả, thiết thực hỗ trợ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội Việt Nam.
Trong đó có các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực lập pháp, tăng cường năng lực của cơ quan dân cử; tăng cường năng lực đại biểu dân cử trong việc giám sát thực hiện quyền trẻ em tại Việt Nam; hỗ trợ thẩm tra và giám sát chính sách pháp luật liên quan đến dân số, sức khoẻ sinh sản và bình đẳng giới. Hai bên hợp tác trong lĩnh vực thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và một số hoạt động nhằm thúc đẩy xóa đói giảm nghèo tại địa phương ở Việt Nam năm 2019…
Thông tin tới đại diện Liên hợp quốc về các đề án của Quốc hội Việt Nam nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và dự kiến sẽ khởi động lại Diễn đàn Kinh tế thường niên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật, kết nối nguồn lực để hỗ trợ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội thực hiện các đề án này cũng như tổ chức Diễn đàn kinh tế thường niên.
Đáp từ, ông Kamal Malhotra bày tỏ tự hào và may mắn được tham gia hỗ trợ Việt Nam ở nhiều vai trò khác nhau trong suốt 32 năm qua. Nhất trí với nhận định của Chủ tịch Quốc hội về hợp tác giữa Liên hợp quốc và Quốc hội Việt Nam, ông Kamal Malhotra đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam xem xét khởi động lại Diễn đàn kinh tế thường niên và cho biết, trong định hướng hợp tác thời gian tới, Liên hợp quốc sẽ tăng cường các cơ chế, dự án hỗ trợ Việt Nam và Quốc hội Việt Nam. Liên hợp quốc đã xây dựng xong khung khổ hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn 2022 – 2026 và ông hy vọng khung khổ này sẽ sớm được hai bên thống nhất để triển khai thực hiện.
Điều phối viên thường trú Kamal Malhotra cũng cho biết, vừa qua, Liên hợp quốc đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19, trong đó ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 thông qua cơ chế COVAX. Mới đây, Pháp đã quyết định hỗ trợ Việt Nam hơn 10 triệu liều vaccine thông qua cơ chế này.
“Không có biện pháp đơn lẻ nào giúp chống lại đại dịch Covid-19 hữu hiệu bằng việc triển khai tiêm chủng vaccine trên diện rộng. Với số lượng liều vaccine hiện nay, Việt Nam có thể tăng tốc tiêm chủng, trong đó, cần ưu tiên tiêm mũi một để càng nhiều người được tiêm càng tốt”, ông Kamal Malhotra nhấn mạnh.