Sáng 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Báo cáo về kế hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn giám sát đã lựa chọn và đề xuất 6 nhóm vấn đề nổi bật trong lĩnh vực năng lượng hiện nay để tập trung giám sát và xây dựng báo cáo (xem box).
Nêu thực tế năng lượng tái tạo phát triển gấp nhiều lần quy hoạch, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề, Luật Điện lực vừa rồi đã được sửa theo hướng cho tư nhân đầu tư, phát triển lưới truyền tải điện, đây là hướng để gỡ khó cho truyền tải khi năng lượng tái tạo vào quá nhiều nhưng năng lực đường dây truyền tải có hạn.
Hiện cũng thiếu cơ chế chuyển tiếp cho các dự án năng lượng tái tạo, nên điện sản xuất ra không bán được, không tiêu thụ được. Câu chuyện này cần được làm rõ khi thực hiện giám sát. Theo ông Vũ Hồng Thanh, vừa rồi giá ưu đãi FIT khiến các nhà đầu tư đổ xô đầu tư trong thời gian ngắn, dẫn tới tình trạng dư thừa điện mặt trời, điện gió. Cuộc chạy đua này dẫn tới thừa thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia; cần tập trung giám sát ở khía cạnh này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tập trung vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, trả lời câu hỏi có thiếu điện hay không, đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay thế nào?
Bên cạnh đó là các vấn đề về chuyển đổi năng lượng gắn với biến đổi khí hậu, chính sách phát triển năng lượng trong đó có huy động, sử dụng các nguồn lực FDI, thành phần kinh tế tư nhân…
Theo kế hoạch, Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát và trình UBTVQH xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề này. Trước ngày 10-10-2023, Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết giám sát chuyên đề để gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 - kỳ họp cuối năm 2023.
6 vấn đề dự kiến giám sát - Về cung cầu và an ninh năng lượng: khả năng cung cấp, nhập khẩu năng lượng; thị trường năng lượng, các vấn đề kinh tế, tài chính năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. - Về quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng: tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch: quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, quy hoạch điện, quy hoạch than, quy hoạch dầu khí. - Về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính: tác động của quá trình phát triển năng lượng đến môi trường sinh thái, phát thải khí nhà kính, quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải, khả năng đáp ứng mục tiêu trung hoà carbon trong thời gian tới, các giải pháp đã đạt được và khả năng đạt được các mục tiêu phát thải vào năm 2050 của Việt Nam theo cam kết tại hội nghị COP26. - Về khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng: tình hình thu hút đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát triển ngành cơ khí năng lượng; nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; công tác đào tạo, sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. - Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng: mô hình tổ chức quản lý nhà nước; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tình hình đội ngũ cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. - Về một số nội dung khác: hợp tác quốc tế, các vấn đề xã hội, quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; xử lý các dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc. |