Đó là 7 dự án Luật, gồm: dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Mỗi lần sửa đổi, bổ sung luật là cơ hội để khắc phục những vướng mắc, bất cập, hạn chế như tình trạng "luật vừa sửa xong đã không đáp ứng được yêu cầu, luật chồng chéo, thiếu khả thi, đời sống pháp luật thì ngắn". Vì vậy, cần phải tập trung đánh giá, sửa đổi thật căn cơ, bảo đảm cao nhất.
Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở chuẩn bị của các cơ quan trình và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc có triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các dự án luật này hay không.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Tổng Thư ký Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội phải xác định rõ các nội dung báo cáo Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ, phiên họp toàn thể để tập trung vào các vấn đề lớn, căn cơ về chính sách, về tính công khai, minh bạch, tính khả thi, thống nhất của dự luật với hệ thống pháp luật, còn những vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp có thể xử lý bằng việc đóng góp ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng cách làm này sẽ đáp ứng được yêu cầu vừa bảo đảm chất lượng công tác xây dựng luật, vừa rút ngắn được thời gian làm việc của Quốc hội.
Qua nghe báo cáo tiến độ, một số vấn đề lớn của các dự án luật và thảo luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của các Ủy ban trong việc chủ động theo dõi nắm tình hình soạn thảo và cho ý kiến về các nội dung của dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan để rà soát, lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia, nhà khoa học, tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động… Trên cơ sở đó, hoàn thiện các báo cáo thẩm tra.
Đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị bên cạnh các nội dung Chính phủ trình, Ủy ban Xã hội cần rà soát, đánh giá thực tiễn triển khai thi hành Luật hiện hành, đối chiếu với tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này, chủ trương của Đảng về công tác thi đua khen thưởng... thấy được những gì chưa làm được, những gì còn bất cập, hạn chế để xác định phạm vi điều chỉnh và nội dung sửa đổi, bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong quá trình sửa đổi luật này cần làm rõ mục tiêu của thi đua, khen thưởng, mối quan hệ giữa thi đua và khen thưởng, nguyên tắc, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; rà soát các quy định về thẩm quyền trao thưởng, phát động thi đua, hồ sơ, trình tự… để sửa đổi theo hướng khắc phục bệnh thành tích, nặng về tính tích lũy gối đầu, chưa quan tâm kịp thời đến khen thưởng đúng người, đúng thời điểm, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; đồng thời quan tâm đến các giải thưởng trong khu vực tư.
Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, thông qua lần sửa đổi luật lần này các vấn đề được xem xét thấu đáo, thi đua khen thưởng được thực hiện thực chất, đúng, trúng sẽ tạo động lực, chuyển biến lớn trong toàn xã hội, nếu làm không đến nơi thì luật sẽ không đi vào cuộc sống.
Về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mặc dù chưa có hồ sơ chính thức từ Chính phủ nhưng Ủy ban đã chủ động, sớm có ý kiến nghiên cứu phục vụ công tác thẩm tra một cách chi tiết, kỹ lưỡng.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với cách làm như hiện nay sẽ bảo đảm được chất lượng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thảo luận…
“Điện ảnh còn là một loại hình công nghiệp văn hóa, khi đó phải ứng xử, thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh với tư cách là một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường. Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải bám sát, cụ thể hóa các yêu cầu này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đồng thời, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, bổ sung đầy đủ các văn bản còn thiếu như dự thảo quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, báo cáo đánh giá kinh nghiệm quốc tế, báo cáo đánh giá tác động... để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9-2021.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với quan điểm của Thường trực Ủy ban Tư pháp về phạm vi sửa đổi, bổ sung nhằm thực hiện cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), không nên mở rộng sửa đổi các nội dung ngoài cam kết khi chưa đánh giá được tác động.
Ngoài ra, để thực hiện cam kết với CPTPP thì cùng với sửa đổi luật, còn phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ điều tra, kiểm sát, tòa án… chuyên sâu về lĩnh vực này.