Cùng dự làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, cho biết, năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ và cả hệ thống chính trị tỉnh Khánh Hòa luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai toàn diện các nhiệm vụ và đạt nhiều kết quả cụ thể.
Khánh Hòa có 20/22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, GRDP tăng 10,35%, quy mô nền kinh tế lần đầu vượt mốc 100.000 tỷ đồng.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 1.750,1 triệu USD, tăng 5,9%. Thu ngân sách nhà nước đạt 18.012,7 tỷ đồng, vượt 16,6% dự toán và tăng 9,2% so với năm 2022. Toàn tỉnh thu hút được 17 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100.865,7 tỷ đồng...
Về triển khai thực hiện Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân cho biết, đến nay, Trung ương và tỉnh đã ban hành đầy đủ các quy định để cụ thể hoá nghị quyết. Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành 6 nghị quyết và UBND tỉnh ban hành 2 quyết định triển khai nghị quyết. Tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương liên quan xây dựng 1 nghị định của Chính phủ và 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai Nghị quyết số 55/2022/QH15.
Tại buổi làm việc, tỉnh Khánh Hòa cũng đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP, trong đó ngân sách tham gia hỗ trợ không quá 70% tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt, tương tự như cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 106/2023/QH15, ngày 28-11-2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ...
Tỉnh Khánh Hòa cũng nêu một số đề xuất liên quan đến việc áp dụng lãi suất ưu đãi khi cho ngư dân vay vốn để chuyển đổi mô hình nuôi lồng truyền thống sang mô hình nuôi biển công nghệ cao tại tỉnh Khánh Hòa; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2024 – 2030 để tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu vào các vùng nuôi biển tập trung...
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh cho rằng, thời gian vừa qua, Trung ương đã rất quan tâm đến Khánh Hòa. Khi Trung ương dành các nghị quyết cho Khánh Hòa đã tạo được tầm nhìn dài hạn cho địa phương, tạo niềm tin cho nhân dân và nhà đầu tư. Khánh Hòa mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để tăng thêm chỉ tiêu đất công nghiệp nhằm thu hút đầu tư và cho phép thực hiện đường cao tốc để thông thương với Đà Lạt, nhằm phát triển toàn diện hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng như phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 với nhiều chỉ tiêu đạt bằng hoặc cao hơn trước đại dịch.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của tỉnh và các mục tiêu, khát vọng phát triển đã đề ra, tập trung khắc phục nhanh, hiệu quả những tồn tại, hạn chế. Bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là về phát triển bền vững kinh tế biển; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đột phá vùng ven biển; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và miền núi...
“Khánh Hòa không chỉ phải tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển của năm 2024, 2025 mà Khánh Hòa còn phải tăng tốc cho đến năm 2030, ít nhất tăng trưởng kinh tế phải giữ được hai con số", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.