Chủ tịch Quốc hội cũng đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cho bầu cử tại khu phố 2, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; đặt nhiều câu hỏi về cách thức mạn đàm, giới thiệu ứng viên, về các cuộc hiệp thương lần 1, lần 2 và các cuộc tiếp xúc cử tri với ứng cử viên nơi cư trú.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, đại diện cử tri cho biết đã được quán triệt, hướng dẫn cụ thể về bầu cử; đã tham gia đầy đủ các hội nghị hiệp thương, góp ý nhận xét các ứng viên một cách dân chủ, công khai. Hiện nay danh sách cử tri trong phường đã được niêm yết đầy đủ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo thêm với cử tri phường Hồng Hải về thành công của Quốc hội khóa XIV vừa qua, những đổi mới thiết thực trong hoạt động của Quốc hội và nhấn mạnh, việc sáng suốt lựa chọn để bầu ra các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân của mỗi cử tri tới đây sẽ quyết định quan trọng vào thành công trong giai đoạn tiếp theo của Quốc hội.
Ngay sau đó, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận: công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử của tỉnh Quảng Ninh là đảm bảo dân chủ, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Các văn bản hướng dẫn của Bộ Chính trị và Hội đồng bầu cử đều được tỉnh triển khai, thực hiện sớm ở tất cả các cấp. Cách làm của tỉnh đã đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm tổ chức bầu cử đúng ngày, không có bầu cử sớm dù địa bàn trải rộng với nhiều xã đảo, vùng biên; lưu ý Ủy ban bầu cử tỉnh tiếp tục rà soát, cập nhật lại danh sách cử tri, nhất là cử tri ở vùng biên giới hải đảo, cử tri là công nhân các khu công nghiệp. Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ninh cũng cần phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc để tổ chức thành công Hội nghị hiệp thương lần 3.
“Đã bước vào giai đoạn nước rút, có tính chất quyết định, cần phát huy tập trung cao cho các công việc tiếp theo của cuộc bầu cử”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh nhiệm vụ xử lý tốt đơn thư khiếu nại tố cáo, lường trước các phát sinh khiếu nại, tố cáo sau hiệp thương lần 3, Ủy ban bầu cử địa phương cần tăng cường tập huấn, hướng dẫn bầu cử ở các địa phương, cơ sở mới được kiện toàn. Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ninh cần căn cứ vào Văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia với các phương án kịch bản cụ thể để linh hoạt ứng phó trong trường hợp xảy ra dịch bệnh trước và trong ngày bầu cử.
Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Ninh, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 191 ủy ban bầu cử các cấp, ấn định và công bố 1.353 đơn vị bầu cử; thành lập 1.438 tổ bầu cử; tổ chức tốt 2 hội nghị hiệp thương đảm bảo quy trình và tiến độ; việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử đều nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của cử tri với số phiếu cao.
Các mặt công tác khác như tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử… được tỉnh chú trọng; đến nay, không có đơn thư, kiến nghị của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ngày 14-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác có buổi làm việc về bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tại 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang Tại tỉnh Long An, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cuộc bầu cử, không được lơ là mất cảnh giác. Chủ động giải quyết sớm các khiếu nại tố cáo liên quan hoặc không liên quan đến công tác bầu cử theo đúng luật khiếu nại tố cáo... |