Trưa 19-4, Chủ tịch Hạ nghị viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla dẫn đầu đoàn đại biểu Nghị viện Cộng hòa Ấn Độ đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19 đến ngày 21-4. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Ngài Om Birla kể từ khi nhậm chức.
Chiều 19-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Lễ đón Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Ấn Độ Om Birla. Ngay sau Lễ đón, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Om Birla.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước.
Chủ tịch Om Birla cho biết, Ấn Độ đặt mục tiêu đến năm 2047 - kỷ niệm 100 năm ngày Độc lập - sẽ trở thành nước đi đầu thế giới trong nhiều ngành, lĩnh vực, đồng thời tiếp tục giải quyết các thách thức trong đời sống kinh tế - xã hội. Chủ tịch Om Birla chúc Việt Nam đạt được mục tiêu đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhận định rằng, hai nước có nhiều mục tiêu phát triển tương đồng, Chủ tịch Om Birla đề nghị hai nước đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, dịch vụ, chuyển đổi số, tăng cường kết nối doanh nghiệp…, đặc biệt đưa ngành công nghệ thông tin, dịch vụ trở thành hợp tác chiến lược.
Bày tỏ nhất trí với ý kiến của Chủ tịch Hạ viện Om Birla, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đầu năm nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua gói kích thích kinh tế gần 17 tỷ USD thực hiện trong 2 năm 2022–2023 và sửa đổi, bổ sung nhiều dự án luật để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Quốc hội mong muốn trao đổi, chia sẻ với Nghị viện Ấn Độ kinh nghiệm trong xây dựng thể chế và huy động, phân bổ nguồn lực cho phục hồi, phát triển sau đại dịch.
Đánh giá cao nỗ lực, thành tựu của Ấn Độ trong ứng phó với đại dịch Covid-19, phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng BJP cầm quyền và Thủ tướng Narendra Modi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam coi Ấn Độ là cường quốc toàn cầu và ủng hộ Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong các thể chế đa phương, duy trì và bảo đảm trật tự thế giới đa cực, dựa trên luật pháp quốc tế, ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc khi cơ chế này được mở rộng, gia nhập Diễn đàn hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam cũng hoan nghênh Ấn Độ đẩy mạnh chính sách “Hành động hướng Đông”, tham gia sâu vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và cảm ơn Ấn Độ đã coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách này.
Trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai nhà lãnh đạo nhất trí về sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Về tình hình ở Ukraine, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, mong muốn các bên liên quan thúc đẩy đối thoại, đàm phán để chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo an toàn cho người dân, giải quyết các vấn đề nhân đạo.
Cũng tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ấn Độ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2023-2025), Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (nhiệm kỳ 2023-2028), Ủy ban Pháp lý và kỹ thuật (nhiệm kỳ 2023-2027).
Nhân dịp này, qua Chủ tịch Hạ viện Om Birla, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng mời Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaial Naidu sớm thăm lại Việt Nam.