Góp ý sửa đổi Luật Dược tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều 16-4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, dự thảo luật đã được chuẩn bị công phu, có bước tiến lớn về tư duy trong sửa đổi luật.
Về những nội dung sửa đổi cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hiện nay, đa số thuốc thông thường Việt Nam tự sản xuất được, nhưng khoảng 90% nguyên liệu làm thuốc phải nhập khẩu và những thuốc đặc trị, thiết yếu phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc phát triển ngành dược vừa là kinh tế, vừa liên quan chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, cần phải được hết sức quan tâm, có chính sách thúc đẩy phát triển.
“Cần rà soát lại Quyết định số 376/2021 của Thủ tướng về chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu đến 2030, tầm nhìn 2045 để luật hóa một số chính sách nhằm khuyến khích ngành này phát triển mạnh. Trong đó, cần có các chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao thông qua các quy định về lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỉ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển thuốc mới”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Thúc đẩy liên doanh hợp tác trong nước - nước ngoài thành chuỗi, đặc biệt trong các hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam cũng là một trọng tâm cần lưu ý. Chính sách phân phối của Việt Nam đang còn giới hạn nên nếu liên kết được doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cùng nhau sản xuất, phân phối, lưu thông... thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, cần có chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu, đối với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc. “Với một số nguyên liệu phải nhập khẩu nhưng giá nhập khẩu cao thì giá thành thuốc sẽ đắt, dân phải mua thuốc đắt. Nên chăng có nghiên cứu chính sách bổ sung ưu đãi thuế nhập khẩu với nguyên liệu nhập khẩu làm thuốc bao bì, tá dược, vỏ nang... Những loại chưa sản xuất được nên có thuế ưu đãi để giảm giá thành”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng cho rằng cần có những chính sách riêng theo hướng ưu đãi hơn đối với thuốc điều trị bệnh hiếm gặp cũng như các hoạt động nghiên cứu khoa học, thử nghiệm với thuốc hiếm. Mặc dù các công ty, tập đoàn lớn sẽ có các trung tâm nghiên cứu, nhưng nên có trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành dược ở quy mô quốc gia do Bộ Y tế chủ trì.