Ngày 10-4, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã gặp mặt Đoàn đại biểu cựu tù chính trị và tù binh TPHCM với gần 70 thành viên nhân dịp Đoàn về thăm Thủ đô Hà Nội trong hành trình về nguồn “Theo dấu chân Bác”.
Tham dự cuộc gặp mặt còn có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội; Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Kiến nghị thành lập “Hội các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam”
Tại buổi gặp mặt, bà Hoàng Thị Khánh, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM cho biết, sau gần 22 năm thành lập, ban liên lạc đã tập hợp trên 98% cựu tù, ổn định tổ chức hoạt động ở 321 phường, xã, thị trấn, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức. Ban liên lạc đã viết, biên soạn, sưu tầm và in 6 đầu sách về tù, nhà tù, kỷ yếu ảnh về hơn 11.000 cựu tù chính trị và tù binh. Trong đó có tập sách "Cựu tù chính trị và tù binh TPHCM - Nhân vật và sự kiện" ra mắt tháng 12-2013 với hơn 1.500 trang về gần 9.000 nhân vật từng là tù chính trị hoặc tù binh thời chống Pháp và chống Mỹ.
Bà Hoàng Thị Khánh phát biểu tại buổi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Ban liên lạc còn phối hợp với Sở LĐTB&XH TPHCM xác minh, xem xét, giải quyết trên 1.000 hồ sơ tồn đọng của cựu tù do hồ sơ không đầy đủ hoặc có những vướng mắc; đề nghị hoặc phối hợp đề nghị xem xét trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 6 đồng chí cựu tù tiêu biểu trong đấu tranh chống ly khai cộng sản...
Ngoài ra, Ban liên lạc đã xây dựng được Quỹ Nghĩa tình đồng đội với hơn 8 tỷ đồng để hỗ trợ các hội viên bị bệnh nan y; vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở; trao tặng học bổng cho con cháu cựu tù nhà nghèo học giỏi và các cháu học sinh khác; phối hợp giải quyết trên 1.000 hồ sơ tồn đọng của cựu tù.
Bà Nguyễn Thị Bé Bảy đề xuất tại buổi gặp mặt |
Thay mặt các thành viên trong đoàn, bà Nguyễn Thị Bé Bảy xúc động kể về thời kháng chiến của quân và dân trên mảnh đất thép thành đồng Củ Chi quê hương bà, về tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày. Là người mẹ có con nhiễm chất độc da cam/dioxin và mất, bà Bé Bảy đề nghị nghiên cứu biệt dược, phương thức điều trị dành cho nạn nhân chất độc da cam, nhất là có thể ngăn chặn không cho chất độc hóa học này tiếp tục hủy hoại trẻ ra đời ở thế hệ thứ 3, thứ 4.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm hỏi các cựu tù |
Còn ông Võ Ái Dân mong Quốc hội quan tâm đầu tư nhiều hơn cho Côn Đảo, nhất là phương tiện đi lại để lớp trẻ được đến nơi đây học tập, tìm hiểu về lịch sử của cha ông. Ông cũng đề nghị cần có 1 ngày truyền thống dành cho cho Côn Đảo. Bởi, nhà tù Côn Đảo đã tồn tại hơn 113 năm, nơi này có hơn 20.000 người yêu nước ngã xuống nhưng lại chưa có ngày truyền thống xứng tầm do Nhà nước quyết định. Theo ông, từ năm 2012 đến năm 2022, Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM đã tổ chức 12 lần tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh tại đây.
Tại buổi gặp mặt, bà Hoàng Thị Khánh cũng kiến nghị đến Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ nghiên cứu có ý kiến đến Bộ Chính trị về chủ trương cho thành lập “Hội các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Việt Nam” hoặc “Ban liên lạc những người yêu nước Việt Nam bị bắt tù đày”. Hội hay ban liên lạc có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản và được Nhà nước hỗ trợ nơi làm việc, một phần chi phí cho các hoạt động.
Cấp bách giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động được gặp mặt các cựu tù chính trị và tù binh TPHCM tại Nhà Quốc hội. Đồng thời đánh giá cao chủ trương của Thành ủy TPHCM về việc thành lập Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM, không chỉ là tổ chức cần thiết cho các thành viên, hội viên mà còn là “cánh tay nối dài” của Đảng và Nhà nước, là một hình thức tập hợp, giáo dục truyền thống cách mạng hết sức ý nghĩa, thiết thực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp mặt các cựu tù TPHCM |
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng những kết quả hoạt động của Ban liên lạc trong gần 22 năm qua, đồng thời khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thường xuyên quan tâm thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa. Không chỉ trong những ngày lễ, kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ, mà ở đâu có điều kiện, làm được bất cứ gì cho người có công với cách mạng thì các cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và đồng bào ta đều quan tâm. Các nguồn lực của Nhà nước cũng tập trung đầu tư cho công tác này.
Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như công lao đóng góp của người có công.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đến nay, đã có 9,2 triệu người có công với cách mạng được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hơn 4 triệu người có công được tặng Huân chương, Huy chương và các phần thưởng, danh hiệu cao quý khác. Với phương châm không để người có công nào không được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải cố gắng ở mức cao nhất để giải quyết những trường hợp còn tồn đọng. Đây là việc rất cấp bách, vì nhiều bác tuổi đã cao.
Ghi nhận những kiến nghị nêu ra tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ chuyển ý kiến tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét, giải quyết. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxine. Các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu cách điều trị, chế độ chính sách, nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho những nạn nhân chất độc da cam/dioxine.
Các cựu tù chính trị và tù binh TPHCM tại Nhà Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến, tại Hội nghị Trung ương 7 Khóa XIII sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15, Bộ Chính trị đã thống nhất sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành nghị quyết mới để tiếp tục tăng cường hơn nữa chính sách về công tác xã hội, trong đó có các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chính sách với người có công. Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, tại cuộc họp này, Quốc hội sẽ nêu lại vấn đề các đồng chí cựu tù đề xuất để Trung ương xem xét. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề nghị xây dựng Luật ưu đãi người có công với cách mạng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà đến các cựu tù trong buổi gặp mặt |
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn xác định việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với sự phát triển của đất nước là công việc được quan tâm và đặt lên hàng đầu.