Bày tỏ vui mừng tham dự hoạt động đầy ý nghĩa được tổ chức ngay trước thềm Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Vương Đình Huệ thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tới các vị đại biểu và toàn thể đồng chí, đồng bào những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, đặc biệt chúc mừng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhân kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống vẻ vang.
Khẳng định đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, Tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc là hoạt động thường niên, được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, là nơi quy tụ những nét đặc trưng văn hóa cơ bản nhất của 54 dân tộc anh em.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Chủ đề Di sản Văn hoá Việt Nam năm nay có ý nghĩa sâu sắc, hưởng ứng Hội nghị Văn hóa toàn quốc, đồng thời biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng đồng bào các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tuần lễ Đại đoàn kết sẽ giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, tình yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang còn diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt kinh tế, xã hội, sinh kế và đời sống của nhân dân”.
Nhân dịp này, đồng chí Vương Đình Huệ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, cùng các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả một số nhiệm vụ.
Thứ nhất, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua, triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao; động viên đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, gìn giữ các giá trị lịch sử, văn hóa đang được lưu giữ bằng trí nhớ, bằng chữ viết của các dân tộc. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận các cấp và mọi tầng lớp nhân dân trong bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh, các di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, đồng bào trong nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài; chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ những người dân còn gặp nhiều khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc. Khích lệ, cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường của mọi người dân vượt qua khó khăn, thử thách.
Thứ ba, phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức thành viên, hội tụ tối đa trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia giàu kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về những vấn đề quốc kế dân sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân; chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội để phát triển toàn diện và bền vững đất nước.
Lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2020 - 2025”, làm cho các giá trị văn hóa truyền thống thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh luận điểm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”. Đồng thời, xác định rõ “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”.
Đồng chí Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, với truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết và nền tảng lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa cộng đồng 54 dân tộc anh em sẽ tiếp tục được tăng cường, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, là nền tảng tinh thần vững chắc để đưa đất nước ta đi trên con đường đổi mới, hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.