Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh

Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu chuyên đề Chủ trương, giải pháp về thể chế, thúc đẩy phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia” tại hội nghị sáng 13-1, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về thể chế để thúc đẩy phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.

Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua các dự án luật trong 6 lĩnh vực trọng tâm. Về KH-CN, ĐMST, công nghệ số: hoàn thiện 8 luật. Về đầu tư và tài chính: rà soát, hoàn thiện 12 luật để các cơ chế, chính sách phù hợp, đơn giản, thuận lợi, thông thoáng; tôn trọng tính đặc thù về tính mới, đột xuất, rủi ro, mạo hiểm trong hoạt động KH-CN, ĐMST, chuyển đổi số.

Anh HN quan triet KHCN 8.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, hệ thống pháp luật về KH-CN, ĐMST có 4 luật liên quan trực tiếp gồm: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra có 12 luật, 42 nghị định, 131 thông tư khác có liên quan. Hệ thống pháp luật về chuyển đổi số, có 8 luật liên quan trực tiếp và nhiều văn bản luật khác liên quan; 4 nghị quyết của Chính phủ và hơn 160 nghị định, quyết định, thông tư hướng dẫn thi hành.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội đã ban hành 8 luật liên quan nội dung này. Đặc biệt, 29 luật và 41 nghị quyết Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 và 8 đã giải quyết nhiều vấn đề cấp bách của thực tiễn. Đồng thời trong đó, có những luật quy định về việc tạo lập cơ sở dữ liệu số; phương thức quản lý, cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù liên quan đến ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các hoạt động nghiên cứu sản xuất sản phẩm, dịch vụ, các loại hình kinh doanh mới.

Anh HN quan triet KHCN 15.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, hệ thống pháp luật hiện hành cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số. Điều này thể hiện rõ trong Luật Khoa học và công nghệ năm 2013; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017; Luật Giáo dục năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Dữ liệu năm 2024.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về KH-CN và chuyển đổi số quốc gia vẫn còn có những hạn chế: thiếu đồng bộ, thống nhất, dẫn đến một số cơ chế khuyến khích, thúc đẩy trong những lĩnh vực này không phát huy được tác dụng; cơ chế đầu tư, tài chính cho KH-CN, ĐMST chưa thực sự phù hợp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư từ xã hội.

Về nội dung này có 8 vấn đề bất cập trong các lĩnh vực. Trong đó, kinh phí đầu tư của toàn xã hội cho KH-CN, ĐMST còn thấp; việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả; phân bổ vốn đầu tư cho hoạt động KH-CN còn chồng chéo, dàn trải, chưa tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; hàng năm, kinh phí phân bổ đa số các bộ, ngành Trung ương và các địa phương không giải ngân hết; quy định về xây dựng dự toán và kinh phí quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng khoa học…

Bên cạnh đó, cơ chế đầu tư, tài chính để triển khai hoạt động chuyển đổi số còn khó khăn, chưa được tháo gỡ chưa kịp thời; việc phân bổ nguồn tài chính cho các nhiệm vụ, đề án, dự án có phạm vi quy mô quốc gia còn chậm và triển khai phức tạp, mất nhiều thời gian.

Anh HN quan triet KHCN 10.jpg
Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Từ những bất cập như đã nêu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm, đột phá về thể chế, để thúc đẩy phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số. Theo đó, Quốc hội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy về vị trí, vai trò của KH-CN, ĐMST, chuyển đổi số.

Ngày 10-1 vừa qua, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành kế hoạch hành động để thực hiện nghị quyết, trong đó xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, phân công trách nhiệm rõ ràng, tiến độ cụ thể và tổ chức triển khai với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao nhất; quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đánh giá hiệu quả hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu KH-CN trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thi đua, khen thưởng, biểu dương kịp thời.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, quan điểm trong ban hành luật đó là đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức, quy trình thủ tục trong hoạt động xây dựng pháp luật: các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định vào luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định, thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn.

Anh HN quan triet KHCN 9.jpg
Quang cảnh hội nghị tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại hội nghị tổng kết của Chính phủ năm 2024 vừa qua, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh: hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện, để mỗi nội dung chỉ quy định tại một luật duy nhất. Quản lý theo kết quả, cần loại bỏ cơ chế xin - cho và bao cấp; đổi mới phân bổ ngân sách dựa trên kết quả đầu ra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới, sáng tạo như tinh thần “khoán 10” trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra; nghiên cứu, quy định phù hợp về cơ chế thí điểm, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; nghiên cứu quy định miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

Đồng thời, phối hợp tổ chức rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, rào cản để tháo gỡ, xoá bỏ; thống nhất nhận thức về nhiệm vụ “đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh”. Trong đó, cần đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; thể hiện rõ ràng mức độ khuyến khích, ưu đãi vượt trội; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, ổn định, công khai, minh bạch, đơn giản, thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thành Mẫn cho biết, trên cơ sở Chính phủ trình và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua các dự án luật trong 6 lĩnh vực trọng tâm. Về KH-CN, ĐMST: hoàn thiện 8 luật. Về đầu tư và tài chính: rà soát, hoàn thiện 12 luật. Về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực: rà soát, sửa đổi, hoàn thiện 11 luật.

Về doanh nghiệp, thương mại: rà soát, hoàn thiện 3 luật. Về bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, môi trường số, rà soát hoàn thiện 3 luật. Về chuyển đổi số, ứng dụng KH-CN, ĐMST: hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh xây dựng, vận hành Quốc hội số, Chính phủ số, Chính quyền số. Ngoài ra, tiếp tục rà soát, xây dựng mới các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Tin cùng chuyên mục