Đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, “gói” hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mới sẽ sớm được triển khai trên cơ sở rút kinh nghiệm việc triển khai “gói” hỗ trợ cũ.
Chia sẻ với người lao động, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đợt dịch lần thứ tư với phạm vi tác động mạnh hơn, lây lan chủ yếu trong các khu công nghiệp, đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động của nền kinh tế và sinh kế của người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Chính phủ vẫn kiên định phấn đấu mục tiêu tăng trưởng năm nay đạt 6,5%, cao hơn mức Quốc hội đề ra.
Theo lãnh đạo Quốc hội, trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kể cả khu vực lao động phi chính thức. Bộ Chính trị đã giao Đảng đoàn Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng Chính phủ để triển khai sớm gói hỗ trợ này trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ cũng như Nghị quyết 135/2020/QH14 của Quốc hội.
Đánh giá cao nỗ lực của công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thời gian qua đã tổ chức tốt nhiều hoạt động phúc lợi xã hội, chăm lo cho đoàn viên công đoàn trong tỉnh và đóng góp hỗ trợ, động viên người lao động các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, việc tiếp tục chăm lo cho người lao động và cả người sử dụng lao động trong cả khu vực lao động chính thức và khu vực lao động phi chính thức có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Đây là nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền, mọi cấp, mọi ngành. Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, đề ra các giải pháp hữu hiệu để thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đối với các cấp công đoàn tỉnh Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội đề nghị xác định công tác chăm lo cho người lao động là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, tin tưởng vào tổ chức công đoàn, gắn bó với cơ quan, doanh nghiệp, bảo đảm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới, đặc biệt là trong tình hình hiện nay khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường.