Chủ tịch Quốc hội sẵn sàng ủng hộ các dự án, đề án TPHCM đề xuất

Sáng 5-10, đoàn công tác Đảng đoàn Quốc hội do đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.

5.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội; Nguyễn Đức Hải; Trần Quang Phương; Nguyễn Thị Thanh; cùng các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành.

Về phía TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM; Thường trực HĐND; Thường trực UBND TPHCM...

7.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM theo hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước; ghi nhận, đánh giá cao cách làm mới, khí thế mới, quyết tâm mới của TPHCM.

Qua báo cáo, 9 tháng năm 2024, tăng trưởng GRDP của TPHCM đạt 6,8%, muốn đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 7,5% thì quý 4, TPHCM phải phấn đấu tăng trưởng trên 9%. Chủ tịch Quốc hội nhận xét TPHCM có sự quyết liệt với nhiều đề án mới, giải pháp mới được sự đồng thuận của người dân. “Tôi thấy sự quyết tâm, tầm nhìn, sự đổi mới của thành phố hết sức là đặc biệt”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

z5899005496504_77980236dd870c33fee3855c7a4cc095.jpg
Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quan tâm đến tình hình thu ngân sách của TPHCM, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nếu TPHCM hoàn thành chỉ tiêu năm 2024 sẽ góp phần đóng góp ngân sách Trung ương 27% để đảm bảo cân đối chi của cả nước. Đồng chí Trần Thanh Mẫn tin tưởng với quyết tâm lớn, TPHCM sẽ đạt chỉ tiêu thu ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý TPHCM cần quan tâm một số vấn đề. Đó là, tăng trưởng chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng đầu tư là chưa đồng bộ. Chủ tịch Quốc hội thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương là các bộ, ngành phải tháo gỡ cho địa phương chứ không để địa phương phải đề xuất lên.

“Các bộ phải vào TPHCM chứ không để TPHCM đi ra các bộ. Hôm nay, tôi cũng nói Đảng đoàn Quốc hội là vào TPHCM, tôi cũng mong các đồng chí vào nhiều hơn nữa trên phương châm "tắc đâu thông đó, khó đâu tháo đó" cho TPHCM để gỡ về cơ chế, chính sách để kinh tế - xã hội là phát triển, tháo gỡ theo cách làm mới” Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

22.jpg
Các đại biểu dự buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc tháo gỡ hiện nay cũng theo cách làm mới, Quốc hội chỉ quyết những vấn đề theo Hiến pháp, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Còn thông tư, nghị định giao về cho Chính phủ ban hành để nếu khó khăn, vướng mắc thì sửa nghị định, thông tư nhanh. “Cách làm mới, hiện là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Trên cơ sở vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về 3 dự án mới mà TPHCM đề xuất gồm, Trung tâm tài chính quốc tế, đường sắt đô thị, đường Vành đai 4, Chủ tịch Quốc hội nhận xét đây là những dự án mang tầm nhìn mới, là vấn đề cấp bách, yêu cầu khách quan. “Đảng đoàn Quốc hội, Thường vụ Quốc hội sẵn sàng phối hợp khẩn trương, thường xuyên, trên định hướng, chủ trương ủng hộ”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định và lưu ý hồ sơ phải đầy đủ theo quy định, làm rõ về căn cứ pháp lý và đánh giá kỹ, đầy đủ các tác động.

Đánh giá các dự án, đề án TPHCM đề xuất là phù hợp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay không nói khó nữa mà phải bàn để làm. Đồng chí đề nghị TPHCM phối hợp bộ ngành khẩn trương xin chủ trương, hoàn tất thủ tục để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

z5899005488089_3dbd4ba81e75fa03e45fe507860ac3a4.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

TPHCM kiến nghị Quốc hội các cơ chế đặc thù để thực hiện một số dự án lớn

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM báo cáo tóm tắt các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội và một số đề xuất, kiến nghị.

Theo đó, TPHCM chuẩn bị trình Quốc hội dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM (dự án đường Vành đai 4); đề án đường sắt đô thị TPHCM và đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM (Trung tâm tài chính quốc tế).

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81 của Quốc hội đều thể hiện tinh thần mạnh mẽ là đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có hoàn thành đường Vành đai 4 vào năm 2030.

Đường Vành đai 4, theo quy hoạch có chức năng kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không quốc tế của Vùng đô thị TPHCM. Đồng thời đóng vai trò phân luồng từ xa giúp giải tỏa áp lực giao thông cho khu vực nội thành TPHCM.

Dự án có quy mô khoảng 206,72 km. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dài khoảng 18,23 km; qua tỉnh Đồng Nai khoảng 46,08 km; qua tỉnh Bình Dương khoảng 47,41 km; qua TPHCM khoảng 16,70 km; qua tỉnh Long An khoảng 78,3km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 136.593,45 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương 42.000,96 tỷ đồng (30,86%); vốn ngân sách địa phương: 33.584,37 tỷ đồng (24,66%); vốn BOT: 60.571,12 tỷ đồng (44,48%);

Picture1.jpg
Dự án đường Vành đai 4 đi qua các tỉnh, thành

Còn đề án đường sắt đô thị TPHCM xác định thực hiện khoảng 183km đến năm 2035 và tiếp tục đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị được xác định trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Để thực hiện dự án, giai đoạn đến năm 2035, cần số vốn khoảng 835.738 tỷ đồng (tương đương 34,84 tỷ USD); giai đoạn 2036 đến 2045, nhu cầu vốn khoảng 627.620 tỷ đồng (khoảng 26,17 tỷ USD). Còn giai đoạn 2046 đến 2060 nhu cầu vốn khoảng 973.714 tỷ đồng (khoảng 40,61 tỷ USD). Dự kiến, TPHCM và TP Hà Nội cùng trình đề án để Quốc hội xem xét.

Tại buổi làm việc, TPHCM kiến nghị Quốc hội chấp thuận việc phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho TPHCM (khoảng 25,6% trong giai đoạn đến 2035), còn lại sử dụng ngân sách thành phố. Đồng thời, đề xuất Quốc hội thông qua đề án theo hướng thông qua khung chính sách cho hai thành phố (TPHCM, TP Hà Nội) để triển khai đề án, không phải là thông qua chủ trương đầu tư cho một dự án cụ thể.

5.jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các nội dung về tổng mức đầu tư, suất đầu tư… sẽ được hai thành phố nghiên cứu chi tiết trong quá trình lập chủ trương đầu tư của từng dự án. Trong đó, TPHCM kiến nghị Quốc hội giao thẩm quyền cho HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư, UBND TPHCM quyết định đầu tư nếu vốn huy động cho dự án hoàn toàn là vốn của thành phố, để có thể áp dụng ngay cho dự án metro số 2 và các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng TOD trong năm 2025.

Báo cáo về đề án Trung tâm tài chính quốc tế, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TPHCM được xác định trong phạm vi địa lý cụ thể và gắn với định hướng phát triển đô thị của thành phố, bao gồm khu phố tài chính hiện hữu ở quận 1 và khu phố tài chính mới ở Thủ Thiêm. Hai khu phố này sẽ bổ sung cho nhau, với các dịch vụ tài chính truyền thống vẫn sẽ tập trung ở khu phố tài chính hiện tại và các dịch vụ tài chính có tính sáng tạo sẽ tập trung ở khu phố mới.

Trung tâm tài chính quốc tế bao gồm 3 cấu phần, gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh. TPHCM đề xuất và kiến nghị Quốc hội chấp thuận 10 cơ chế chính sách tập trung vào các nhóm trụ cột năng lực cạnh tranh cần ưu tiên để xây dựng thành công Trung tâm tài chính quốc tế.

z5892176642412_1faeb4a58c5b1447a229eaf00cc2f527.jpg
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến khai thác vào cuối năm 2024. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại buổi làm việc, TPHCM kiến nghị Quốc hội một số nội dung

Cụ thể, kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, điều chỉnh hoặc có hướng dẫn đối với một số nội dung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư.

Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, kiến nghị Quốc hội cho nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 98 về yêu cầu giải ngân vốn đầu tư đối với nhà đầu tư chiến lược để đảm bảo phù hợp với thực tiễn thực hiện.

Kiến nghị Quốc hội ủng hộ việc cân đối nguồn vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ UBND tỉnh Bình Dương sớm nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng 15,3km đường đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (đi trùng với đường Vành đai 3) để khai thác đồng bộ, hiệu quả khi dự án đường Vành đai 3 TPHCM đưa vào hoạt động năm 2026.

Kiến nghị Quốc hội tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 131, từ đó, ban hành Nghị quyết mới toàn diện hơn, phù hợp hơn; đồng thời đưa vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nội dung xây dựng Luật Đô thị đặc biệt TPHCM.

Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ủng hộ các cơ chế đặc thù dự kiến sẽ đề xuất liên quan dự án đường Vành đai 4; đề án đường sắt đô thị; Trung tâm tài chính quốc tế.

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá kết quả kinh tế - xã hội TPHCM giữ đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, phần lớn các chỉ số quan trọng đều tăng so với cùng kỳ.

GRDP quý 3 đạt 7,33%

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024; công tác triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM; Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá kết quả kinh tế - xã hội TPHCM giữ đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Phần lớn các chỉ số quan trọng đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, GRDP quý 3-2024 đạt 7,33%, tính chung 9 tháng đạt 6,85%; doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,5%; thu ngân sách nhà nước tăng 14,29% (đạt 76,9% dự toán năm); tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 2,85%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 5,17%. Đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng...

6.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tuy nhiên, một số chỉ số chưa đạt kết quả như mong đợi, trong đó có các chỉ số liên quan tới dòng tiền vào thị trường. Cụ thể, tổng vốn doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung giảm 22,7% (đạt 543.652 tỷ đồng); thu hút FDI giảm 5% (1,849 tỷ USD); tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 20,8%.

Nghị quyết 98 giúp khơi thông nhiều nguồn lực

Qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 98 với 44 cơ chế đặc thù, trong đó có 30 cơ chế đã áp dụng; 2 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định; 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.

Cụ thể, TPHCM đã bố trí vốn đầu tư công và giải ngân 2.796 tỷ đồng (năm 2023) và 998 tỷ đồng (năm 2024) hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. Thành phố đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028.

TPHCM đã sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng và hỗ trợ địa phương, nước khác. Tiêu biểu như hỗ trợ tỉnh Điện Biên 75 tỷ đồng để thực hiện một số công trình; hỗ trợ Cuba 10 bộ máy vi tính, 500 xe đạp và 500 tấn gạo; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài với tổng mức đầu tư (bao gồm lãi vay) 19.617 tỷ đồng.

"Nghị quyết 98 đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để thành phố tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Đồng thời, phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho TP Thủ Đức vận hành mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước", đồng chí Phan Văn Mãi nói.

8.jpg
Các đại biểu dự buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai một số nội dung chưa đạt kế hoạch. Trong đó, có chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Hiện đã có 16/32 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đã được thành phố triển khai, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt, TPHCM đang chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các nội dung còn lại.

Cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 3

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 57 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, dự án được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về nguồn vốn, công tác chuẩn bị đầu tư. Qua đó, tạo nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai, khẳng định được tính hiệu quả, hoàn toàn có thể áp dụng cho các dự án khác hoặc xem xét luật hóa. Trong đó, có cơ chế chỉ định thầu giúp rút ngắn thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần khoảng 4 tháng.

Với cơ chế về nguồn vốn đầu tư cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và cho phép tăng tổng mức đầu tư từ nguồn tăng thu của địa phương. Qua đó, dự án được cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách trung ương là 31.380 tỷ đồng và từ nguồn vốn ngân sách các địa phương là 22.858 tỷ đồng. Việc này góp phần bố trí đủ vốn để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, nhất là giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng đòi hỏi số vốn lớn, đã cơ bản hoàn thành trong năm 2023.

Bên cạnh đó, việc giao UBND TPHCM làm đầu mối đã phát huy vai trò chủ động, phối hợp thực hiện được sự đồng bộ cho toàn dự án. Việc cho phép các dự án thành phần được thực hiện trình tự, thủ tục quyết định đầu tư dự án tương tự dự án nhóm A đã tăng tính chủ động, trách nhiệm, tạo rất nhiều thuận lợi trong việc rút ngắn các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án.

Việc tổ chức thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM còn gặp nhiều vướng mắc

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 131, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, kể từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 131, TPHCM đã tổ chức thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH-HĐND các cấp.

Vai trò của HĐND TPHCM được phát huy hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, hoạt động và chất lượng tổ chức các kỳ họp HĐND TPHCM. HĐND TPHCM tăng cường hoạt động giám sát, tái giám sát với nhiều hình thức và khảo sát thực tiễn; giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và đổi mới các diễn đàn đối thoại với người dân.

Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của UBND các cấp được xây dựng theo hướng ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ phù hợp với nhiệm vụ quản lý và điều kiện đặc thù của TPHCM.

Công tác cải cách hành chính được triển khai toàn diện trên tất cả lĩnh vực; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Các mô hình, sáng kiến được áp dụng hiệu quả; ứng dụng công nghệ thông tin có bước phát triển đột phá, phục vụ ngày càng tốt hơn cho quản lý, điều hành và giải quyết thủ tục hành chính. Công tác tiếp xúc, đối thoại được tăng cường thực hiện nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vấn đề bức xúc tại cơ quan, đơn vị và của công dân; được xem là phương thức hiệu quả trong công tác dân vận của chính quyền.

Tuy nhiên, còn một số hạn chế, như một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa phát huy được tính chủ động trong điều hành, tham mưu các giải pháp cải cách hành chính. Vẫn còn trường hợp chưa kiên quyết, nghiêm túc trong xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức bị phản ánh về thái độ, hành vi chưa chuẩn mực và giải quyết trễ hạn các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Các chỉ số như PAR-Index, PCI, PAPI tuy có cải thiện về điểm số qua các năm, nhưng thứ hạng chưa đạt mục tiêu đề ra. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế có mặt chưa đạt chất lượng; hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhìn chung chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức thực hiện chính quyền đô thị tại TPHCM còn gặp nhiều vướng mắc do các cơ chế, quy định thiếu đồng bộ và có nội dung chưa phù hợp thực tiễn cho một địa bàn lớn và phức tạp như TPHCM.

Tin cùng chuyên mục