Thu hẹp lĩnh vực áp dụng PPP
Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật PPP lần này được chỉnh lý theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn, có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Liên quan đến vấn đề chia sẻ rủi ro giữa nhà nước – nhà đầu tư, cơ quan thẩm tra đề xuất, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu được áp dụng cho tất cả các dự án PPP. Cụ thể, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với nhà nước 50% phần tăng thu hoặc nhà nước chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch và sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án PPP.
Một nội dung đáng lưu ý khác là hoạt động kiểm toán nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP được đề nghị thực hiện ở hai giai đoạn. Trước khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tuân thủ theo pháp luật kiểm toán Nhà nước về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công. Sau khi ký kết hợp đồng, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo pháp luật kiểm toán nhà nước đối với việc sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP.
Nhà nước không thể chia sẻ mọi loại hụt thu
Góp ý về dự án Luật, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển lưu ý: “Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP vừa qua có vấn đề, nên cần phải tính toán kỹ, nhất là với những dự án không thể đấu thầu quốc tế”.
Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với yêu cầu chia sẻ rủi ro, nhưng phải tính lại, vì chia sẻ rủi ro trên cơ sở doanh thu thì không phù hợp với cơ chế thị trường. “Không làm chặt chẽ thì sẽ gây ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu thì bày tỏ băn khoăn về nội dung giám sát cộng đồng. “Quy định như thế với các công trình xây dựng nông thôn mới thì được, chứ với công trình hiện đại như cao tốc thì không phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại bình luận.
Chia sẻ ý kiến của ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, quy định giám sát cộng đồng với các dự án lớn, với “bao nhiêu là hồ sơ như thế thì tính khả thi liệu có cao hay không?”. Bà cũng đề nghị rà soát lại sự tương thích của dự thảo Luật với thông lệ quốc tế về PPP, vì PPP đã trở thành một phương thức đầu tư khá phổ biến.
Vốn là chuyên gia về tài chính, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề: Đối tượng mong đợi luật là khu vực tư nhân, để họ yên tâm bỏ vốn đầu tư, cơ quan soạn thảo đã trao đổi kỹ với họ hay chưa? Nếu tôi là doanh nghiệp, với dự thảo Luật thế này, tôi cũng chưa bỏ tiền ra đâu!”, Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng có ý kiến về nguyên tắc áp dụng pháp luật nêu trong dự thảo luật này. Bà Lê Thị Nga nói: “Dự thảo viết là nếu có sự khác biệt giữa các luật thì áp dụng quy định của luật này, tại sao lại có nguyên tắc này? Nếu luật này là đặc thù về đầu tư thì những luật nào quy định khác phải nêu rõ vào đây luôn, chứ không rà soát hết mà lại bảo áp dụng luật này thì tôi không đồng tình”.