Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương tới dự. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn gửi lẵng hoa chúc mừng.
Đọc diễn văn tại buổi lễ, đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế điểm lại những mốc son lịch sử và những thành tựu kinh tế - xã hội của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên - Huế đạt được trong những chặng đường xây dựng và phát triển; đặc biệt là trong 30 năm, kể từ ngày tái lập tỉnh vào tháng 7-1989 theo Nghị quyết Quốc hội khóa VIII, thông qua tại kỳ họp thứ 5, ngày 30-6-1989 về phân vạch địa giới hành chính, tách Bình - Trị - Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
“30 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày tái lập tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự chia sẻ và hỗ trợ giúp đỡ của cả nước và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng tâm nhất trí, vượt khó vươn lên tiếp tục đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và toàn diện. Nền kinh tế tỉnh nhà đến nay đã từng bước tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực dựa trên khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa, di sản, giáo dục, y tế và các dịch vụ du lịch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 - 2018 là 7,2%/năm; quy mô nền kinh tế tăng gấp 7 lần (theo giá so sánh 2010). Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 gấp 81,6 lần so với năm 1990; thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.800 tỷ đồng. Cùng với những thành tựu về kinh tế, hiện nay Thừa Thiên - Huế đã phát huy và ngày càng khẳng định vị thế 4 Trung tâm lớn của cả nước, đó là: Trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước; y tế chuyên sâu; khoa học - công nghệ; giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế đã có 7 di sản văn hóa được UNESCO công nhận”.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế tự hào cho biết thêm, ghi nhận quá trình nỗ lực thi đua và phấn đấu, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp CNH- HĐH của đất nước, từ 1989 đến nay, nhiều tập thể và cá nhân của Thừa Thiên - Huế đã được Trung ương trao tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Lao động các hạng; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc…
Đặc biệt, ngày 27-12-2007, Thừa Thiên - Huế vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân hương Độc lập hạng Nhất và ngày 27-6-2019, thêm một lần nữa, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên - Huế tiếp tục vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, một phần thường cao quí của Đảng, Nhà nước trao tặng. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những phấn đấu, nỗ lực của Thừa Thiên - Huế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã biểu dương và chúc mừng những thành tích xuất sắc của Đảng bộ và đồng bào Thừa Thiên - Huế đạt được trong quá trình dựng xây và phát triển. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, những kết quả rất đỗi tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thừa Thiên - Huế là sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ; là sự kế thừa và phát huy trách nhiệm của các thế hệ, đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng quê hương, đổi mới và bảo vệ đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong đấu tranh cách mạng, nhân dân Thừa Thiên - Huế với tinh thần “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” đã làm nên một Thừa Thiên - Huế anh hùng, thì ngày nay tinh thần đó phải được thể hiện ở sự đoàn kết, nhất trí, năng động, sáng tạo để xây dựng Thừa Thiên - Huế thành một tỉnh giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh.
Để đạt được mục tiêu đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Đồng thời, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” theo Kết luận 48-KL/TW và Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị; làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung xây dựng và phát triển Trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của khu vực và cả nước; Trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; Trung tâm Y tế chuyên sâu; Trung tâm KH-CN của khu vực và cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục quan tâm và gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác đối ngoại. Đặc biệt, tập trung chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Chuẩn bị và chỉ đạo tốt Đại hội Đảng bộ các cấp tiến đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Dịp này, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 7 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong công tác và dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của địa phương này.