Chủ tịch Quốc hội: Không cá thể hóa trách nhiệm thì sau giám sát, tình hình… vẫn thế!

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu làm tốt mà không được khen, làm dở vẫn không bị kỷ luật thì cán bộ... mất hết động lực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Sáng 17-11, Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức, đã hoàn thành chương trình đề ra với sự tham dự của 160 đại biểu tại hội trường Diên Hồng, gần 1.500 đại biểu tại 62 điểm cầu cả nước.

Tính xây dựng, phản biện và tính Đảng rất cao

Nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2023, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội, UBTVQH đã quan tâm, tiếp tục hoàn thiện thể chế để tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát. Hiệu lực, hiệu quả các hình thức giám sát của Quốc hội đều được tăng cường. Trong đó, việc lựa chọn chủ đề chất vấn, tìm tòi, đổi mới hoạt động chất vấn ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể. Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và UBTVQH, được tổ chức nghiêm túc, hiệu lực, hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội tán thành ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đại biểu, về việc thay vì hầu hết là hậu kiểm thì các chuyên đề giám sát trong nhiệm kỳ này đã tập trung các nội dung đang trong quá trình thực hiện, như với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là công tác quy hoạch.

“Nhiều người cũng bảo Luật Quy hoạch mới thực hiện có vài năm thì có nên giám sát không? Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhờ có giám sát mà Quốc hội đã ban hành được Nghị quyết số 61, gần như tháo gỡ hoàn toàn các vướng mắc, tồn đọng, bất cập về công tác quy hoạch, giải quyết cả những khoảng trống pháp lý. Nhờ đó, công tác quy hoạch được đẩy mạnh hơn rất nhiều. Nếu không có giám sát của Quốc hội, không biết bây giờ công tác quy hoạch đã đến đâu?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn chứng.

Hội trường Diên Hồng sáng 17-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Hội trường Diên Hồng sáng 17-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, hoạt động tái giám sát, giám sát những vấn đề sau giám sát được quan tâm nhiều hơn, theo đến cùng các vấn đề. Điểm mới trong hoạt động này là bên cạnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các nghị quyết giám sát chuyên đề, nghị quyết về chất vấn của Quốc hội, UBTVQH thì UBTVQH còn gửi báo cáo giám sát đến các cơ quan chức năng của Trung ương để xem xét. Đảng đoàn Quốc hội cũng chắt lọc nội dung, nhất là những vấn đề kiến nghị để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan trong khối nội chính có liên quan.

Đáng lưu ý, theo đồng chí Vương Đình Huệ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đã khắc phục khá nhiều tình trạng "3 sôi 2 lạnh", có tính xây dựng, phản biện rất cao và tính Đảng cũng rất cao, đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch.

Thêm một ưu điểm là trong phạm vi, quyền hạn, các đoàn ĐBQH, các ĐBQH đã triển khai đầy đủ hoạt động giám sát chuyên đề; đề xuất nhiều nội dung nóng, bức xúc về kinh tế - xã hội, giúp Quốc hội, UBTVQH thêm cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn đúng và trúng tại các kỳ họp, phiên họp.

Đừng “bơi trong bể số liệu”

Chủ tịch Quốc hội cũng dành nhiều thời gian phân tích những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội thời gian qua.

Trong đó, về giám sát chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc giải quyết mối quan hệ giữa "diện" và "điểm" cần tiếp tục nghiên cứu. Mỗi đoàn giám sát có một mục tiêu cụ thể và phải bám sát mục tiêu này, không sa đà vụ việc, chệch hướng mục tiêu sẽ dẫn đến trường hợp "bơi trong bể số liệu", không phục vụ bao nhiêu cho kết quả giám sát.

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: QUANG PHÚC

“Muốn có số liệu biết nói thì phải chắt lọc, có phương pháp ngay từ quá trình tiến hành giám sát”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một nghịch lý là giám sát nhưng mục tiêu kiến tạo phát triển lại rất nổi bật, còn xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân thì lại mờ nhạt; có báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chỉ nêu vài ba dòng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tuy không phổ biến nhưng nếu không cá thể hóa được trách nhiệm của tổ chức, cơ quan liên quan thì sau giám sát, tình hình… vẫn thế. "Làm tốt không được khen, làm dở không bị kỷ luật thì mất hết động lực", đồng chí Vương Đình Huệ nhận xét.

Một điểm hạn chế cũng được Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, là hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội chưa có nhiều đổi mới và kết quả nổi bật, trong khi, công tác giám sát ở các cơ quan này lẽ ra chính là trọng tâm, vì linh hoạt, bám sát cuộc sống hơn.

Tin cùng chuyên mục