Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: “Điều kiện hiện nay có cần thiết thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao không”? 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp của UBTVQH cho ý kiến vào dự án Luật Thanh niên cuối phiên họp sáng 20-4, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) Phan Thanh Bình cho biết, dự án Luật đã dành hẳn một chương gồm 14 điều với nội dung quy định về các định hướng chính sách cũng như trách nhiệm của Nhà nước trong các lĩnh vực như: học tập và nghiên cứu khoa học; lao động và việc làm; khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; văn hóa, thể dục, thể thao; bảo vệ Tổ quốc.

Những quy định này thể hiện cam kết pháp lý của Nhà nước trong việc triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách đối với thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu vấn đề: “Điều kiện hiện nay có cần thiết thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao không”? Nêu kinh nghiệm quốc tế từ Singapore, một quốc gia nhỏ, nhưng cũng có Bộ này, Chủ tịch Quốc hội gợi ý, Bộ trưởng Bộ Thanh niên có thể là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn. Trong tương lại, lĩnh vực thể thao cũng có thể đưa về bộ này quản lý. Việc thành lập bộ này hoàn toàn thuận tiện, vì trụ sở có sẵn, Trung ương đoàn cũng được cấp ngân sách như bộ và cơ quan ngang bộ, không "đẻ" biên chế mới. Vấn đề chỉ là điều chỉnh chức năng.

Ngược lại, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu thành lập Uỷ ban Quốc gia về thanh niên mà lâu lâu mới họp một lần và chẳng có cơ chế quản lý nhà nước thì hiệu quả không cao.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem xét thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao ảnh 1 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Trong khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị chú trọng hơn nữa đến một số đối tượng đặc thù, tránh chồng chéo với một số văn bản pháp luật khác (như người nhiễm HIV, người khuyết tật, người chấp hành xong án phạt...).

“Nên tập trung vào mấy đối tượng mang tính đặc thù như thanh niên tình nguyện, thanh niên xung phong, thanh niên người dân tộc thiểu số, đối tượng từ 16-18 tuổi. Đối tượng điều chỉnh quá rộng thì không quy định chi tiết được” - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Được mời góp ý cho văn bản Luật, ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh bày tỏ kỳ vọng Luật có chính sách cụ thể để tạo điều kiện, không gian, môi trường giúp thanh niên phát huy khả năng, phụng sự Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục