Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, sáng 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, bên cạnh một số mặt được, điều đáng lưu ý là một số chính sách được Quốc hội ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vẫn chưa được Chính phủ và các cơ quan có liên quan quy định, hướng dẫn chi tiết.
Như, Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay Chính phủ, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện.
Trong khi đó, một số quy định khác lại chưa sát với thực tế, khó thực hiện, tốn kém về thời gian và nguồn lực để triển khai, nhất là chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. “Trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đánh giá, tình trạng ách tắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế chưa được tháo gỡ kịp thời, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch”.
Còn tồn tại thực trạng mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư không đúng quy định hiện hành của Nhà nước, mua sắm vượt quá nhu cầu dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả... gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 có vi phạm pháp luật trong việc quản lý, nghiên cứu, ứng dụng khoa học; đấu thầu, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công như vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và một số cơ quan, địa phương trong thời gian vừa qua đã gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công, gây bức xúc trong nhân dân.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân từ những bất cập của hệ thống văn bản pháp luật trong quản lý khoa học, đấu thầu, mua sắm tài sản công, đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vaccine, thuốc, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Ví dụ điển hình khác là một số tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước khi dịch Covid-19 bùng phát để trục lợi làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, lãng phí nguồn lực xã hội.
Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, cơ quan thẩm tra nhận xét, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu "nóng"; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp "lách luật" phát hành trái phiếu sai quy định. Tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.
Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lo lắng: “Báo chí nêu năm 2021, huy động trái phiếu doanh nghiệp đến hơn 700.000 tỷ đồng có đúng không, trong đó, 44% liên quan đến lĩnh vực bất động sản”? Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây, đến hạn, dòng tiền có thì doanh nghiệp lấy ra trả hoặc tính toán đi vay để trả, nhưng hiện nay dòng tiền rất eo hẹp, cần xem xét cả nguy cơ vỡ nợ.
"Mà đến hạn không trả được có những doanh nghiệp rao bán dự án để trả nợ nhưng dự án đã đầy đủ cơ sở pháp lý đâu mà bán. Hai là có đầy đủ pháp lý cũng có ai mua không, khi mà đang vướng vào các sai phạm. Không trả được thì vỡ nợ thôi. Đây là điểm rất khác so với các năm trước. Năm 2021, tăng trưởng, rất nóng về thị trường trái phiếu doanh nghiệp…", Chủ tịch Quốc hội nói.