Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Quỹ BHXH như là quỹ ngoài ngân sách nhà nước lớn nhất, nhưng lại liên thông với ngân sách (vì tỷ lệ đóng góp của ngân sách vào quỹ này rất lớn), có tác động lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng một trong những vấn đề cần lưu ý là tình trạng số người hưởng chế độ BHXH một lần đang có xu hướng tăng và sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.
Đồng tình với nhận định tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, người đứng đầu Quốc hội cho rằng, dịch bệnh Covid-19 là nhân tố xúc tác của tình trạng này, nhưng còn một nguyên nhân quan trọng khác là quy định thời gian đóng lên tới 20 năm mới được hưởng lương hưu là quá dài, cần rút xuống 15 năm, tiến tới chỉ 10 năm để người lao động yên tâm về việc quyền lợi lúc về hưu được đảm bảo mà không phải chờ đợi quá lâu. Chủ tịch Quốc hội phát biểu: “Nếu rút sớm, người lao động chỉ được hưởng phần mình đã đóng, rất thiệt thòi, không đảm bảo an sinh lúc tuổi già”. Theo Chủ tịch Quốc hội, tới đây Chính phủ cần khẩn trương xúc tiến việc xây dựng dự thảo sửa đổi Luật BHXH một cách căn cơ.
Thống kê từ Bộ LĐTB-XH cho biết, năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019. Trong đó, số tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 11.868 người, tăng 51,55% so với năm 2019 và bằng 2,09% so với số người tham gia BHXH tự nguyện tăng thêm của năm 2020 so với năm 2019 (567.237 người).
Tỷ lệ người hưởng BHXH một lần so với tổng số người tham gia BHXH những năm qua ở mức khoảng 5% (năm 2017 là 4,83% (666.955/13.820.389); năm 2018 là 5,18% (762.386/14.732.259); năm 2019 là 5,12% (807.089/15.762.145) và năm 2020 là 5,32% (860.741/16.176.180), nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH.