Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Trình bày về phương hướng, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam đến hết nhiệm kỳ 2014 - 2019; cùng một số kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao bước phát triển quan trọng cả về tổ chức, bộ máy, số lượng hội viên và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Thời gian qua, hội không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, bám sát và phục vụ kịp thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ban, bộ, ngành, địa phương.
Các cấp hội và hội viên đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải ở cơ sở; tuyển chọn thẩm phán, kiểm sát viên; tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, đóng góp tích cực vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Hội cũng đã mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, Hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương và Hiệp hội Luật các nước ASEAN… Đặc biệt, trong lĩnh vực đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức được nhiều hội thảo quốc tế về biển Đông, qua đó giới thiệu với các chuyên gia, học giả quốc tế về chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta, góp phần để cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn tác động và ảnh hưởng tiêu cực của những hành động vi phạm luật pháp quốc tế ở biển Đông đối với hòa bình, tự do hàng hải, hàng không và môi trường biển.
Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 và những năm tiếp theo của Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Hội Luật gia Việt Nam chú trọng đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, thực sự là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc của những người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật.
Hội Luật gia Việt Nam cần tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tư vấn pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và những nhóm người yếu thế trong xã hội; chủ động đề xuất các sáng kiến, đề án, dự án để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn, góp phần thiết thực vào việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.