Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người đã có nhiều đóng góp to lớn, có công lao trong việc thắt chặt mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, các tôn giáo để tạo sự đoàn kết toàn dân, sức mạnh của toàn dân tộc. Khi hay tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất, tôi và giới tăng ni, đồng bào phật tử TPHCM vô cùng đau buồn về sự mất mát này.
Về những kỷ niệm của tôi với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phải nói là rất nhiều. Nhưng sâu đậm nhất là việc Chủ tịch nước đã dành nhiều thời giờ tới thăm tôi và các vị chức sắc tôn giáo bạn để chia sẻ về tình hình đất nước và kêu gọi sự đóng góp của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo cho sự phát triển đất nước, ổn định, an sinh xã hội. Cho nên, người mà luôn quan tâm tới sự thịnh suy của đất nước mà mất đi thì đây là một sự tổn thất vô cùng to lớn. Tôi cũng mong, dù chúng ta đã mất đi một người tài ba, nhưng trong Phật giáo chúng tôi vẫn tin tưởng với tình cảm và tâm nguyện của Chủ tịch nước Trần Đại Quang luôn hướng về Tổ quốc Việt Nam, nghĩ tới sự đoàn kết các dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam, tạo thành sức mạnh thiêng liêng, hòa quyện với ông bà, tổ tiên, đất nước, dân tộc theo chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước sẽ còn mãi trong chúng ta.
Cho nên, mọi người chúng ta hãy tiếp bước theo con đường của tiền nhân đi trước, của Chủ tịch nước Trần Đại Quang mà cùng nhau giữ gìn đất nước này, đoàn kết, gắn bó trong ngôi nhà chung dân tộc Việt Nam. Về cá nhân, tôi còn giữ một kỷ niệm đặc biệt với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, đó là chiếc bút máy mà Chủ tịch tặng tôi, có ghi dòng chữ “Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng Hòa thượng Thích Trí Quảng”. Tôi coi đây là kỷ vật, kỷ niệm nhớ mãi trong cuộc đời tôi.
Một đóng góp rất quan trọng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với Phật giáo và dân tộc, đó là khi sắp hoàn thành công trình chùa Việt Nam Quốc tự (quận 10), tôi có đắn đo suy nghĩ làm sao đúc được tượng Phật mang ý nghĩa tiêu biểu cho dân tộc Việt Nam.
Đúng lúc đó thì Chủ tịch nước Trần Đại Quang gọi điện thoại cho tôi, nói: “Hòa thượng cho tôi chia sẻ ý tưởng đặt làng đúc đồng nổi tiếng ở Ý Yên (tỉnh Nam Định) đúc tượng Phật đặt tại chùa, với ý nghĩa người Việt Nam đúc tượng Phật Việt Nam. Nhân dân miền Bắc đúc tượng Phật tặng nhân dân miền Nam”.
Ý tưởng này làm tôi nghĩ ngay đến mối đoàn kết Nam - Bắc mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang muốn xây đắp, giữ gìn dài lâu. Tượng là biểu tượng dù Nam hay Bắc, chúng ta cũng có một đức Phật chung, lấy đức Phật, đạo Phật làm cái chung đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc Việt Nam ở hai miền đất nước. Tượng do tăng ni, phật tử miền Bắc đúc, còn dựng thờ tại một ngôi chùa ở miền Nam. Cứ mỗi lần lên tụng kinh, niệm Phật khi nhìn tượng Phật tôi lại nhớ tới cội nguồn của mình, nhớ đến dân tộc mình, nhân dân hai miền của mình. Đây chính là sự đoàn kết mang tính vô hình, thiêng liêng.
Chính Chủ tịch nước Trần Đại Quang liên hệ với làng đúc đồng yêu cầu đúc bức tượng Phật đúng với kích thước phù hợp với Việt Nam Quốc tự. Hôm khởi công đúc tượng Phật, chính Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự, cùng tôi rót mẻ đồng đầu tiên. Tượng Phật tại Việt Nam Quốc tự nặng 37 tấn, là bức tượng Phật nặng nhất hiện nay, do sức sáng tạo, đóng góp công sức, tài lực của nhân dân miền Bắc.
Chùa Việt Nam Quốc tự còn có cột đồng nặng 6 tấn đặt trên nóc tháp 13 tầng, tượng trưng cho cuộc đấu tranh của Phật giáo miền Nam năm 1963 chống lại sự đàn áp của chế độ cũ, cũng được Chủ tịch nước Trần Đại Quang vận động tăng ni, phật tử miền Bắc thực hiện. Đây là một ý tưởng vô cùng quan trọng và mang nhiều ý nghĩa về sự hòa hợp, đoàn kết dân tộc trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Việt Nam mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang muốn truyền giữ cho con cháu mai sau.
Tôi nhớ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có nói với tôi: “Tư tưởng của Bác Hồ là đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết tôn giáo. Muốn giữ được đất nước phải thực hiện cho được lời dạy đó của Bác Hồ”.