Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu người có công với cách mạng

Ngày 22-7, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2024), tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Cùng dự còn có sự hiện diện của 91 đại biểu là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động...

CTN_ToLam2.jpeg
Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật đoàn đại biểu người có công với cách mạng. Ảnh: TTXVN

Trước khi bắt đầu cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đại biểu đã dành phút tưởng niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng lời thăm hỏi chân tình, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc nhất.

Chủ tịch nước cho biết, thấm nhuần đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 77 năm qua, nhất là trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, ưu đãi người có công với cách mạng.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể tiếp tục quan tâm thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để người có công, thân nhân liệt sĩ, các gia đình chính sách luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới đất nước, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cùng với đó, cần phải nâng cao chất lượng công tác giáo dục truyền thống, lý tưởng cách mạng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn,” “đền ơn đáp nghĩa” cho các thế hệ trẻ mai sau.

CTN_ToLam4.jpeg
Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu, ngày 22-7. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục giải quyết tốt các chế độ, chính sách, nhất là công tác giải quyết hậu quả sau chiến tranh; quan tâm cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe người cô đơn, không nơi nương tựa; phấn đấu đảm bảo 100% người có công phải có mức sống trên mức trung bình so với dân cư cùng địa bàn; quan tâm ưu tiên giải quyết khó khăn, xóa đói, giảm nghèo cho các đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo trên cả nước.

Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, tính đến nay, cả nước đã xác nhận được 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công. Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; 2.412 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

Bộ cũng đã xem xét, giải quyết dứt điểm hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đã triển khai giám định ADN gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, kết quả đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân.

Tin cùng chuyên mục