Trước khi bắt đầu cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước Tô Lâm bày tỏ ấn tượng và khâm phục với những chiến công đặc biệt xuất sắc của các cựu chiến binh Đại đoàn 305 Dù - Đặc công, Công an nhân dân và chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, những người được rèn luyện thử thách trong khói lửa đấu tranh cách mạng và cuộc kháng chiến của dân tộc, đã anh dũng hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, góp phần xứng đáng sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, ngày nay chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang hòa bình và phát triển. Mặc dù nhiều cựu chiến binh đã tuổi cao, sức yếu nhưng tinh thần, khí phách và truyền thống anh hùng của Đại đoàn 305 Dù - Đặc công mãi mãi còn đó, là niềm tự hào của con cháu và các thế hệ mai sau.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước gửi đến các cựu chiến binh lời thăm hỏi ân cần, tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, đồng thời bày tỏ mong muốn các cựu chiến binh tiếp tục phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với truyền thống của Quân đội và Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước đề nghị, ban liên lạc cần tiếp tục có các hoạt động nghĩa tình đồng đội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhất là với những gia đình liệt sĩ, các hội viên là thương binh và hội viên có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bộ Quốc phòng và Hội Cựu chiến binh Việt Nam quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ để cựu chiến binh Đại đoàn 305 Dù - Đặc công tiếp tục có các hoạt động giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngày 30-8-1954, Đại đoàn 305 (sau đổi tên thành Sư đoàn 305) được thành lập, nòng cốt là một số trung đoàn, tiểu đoàn chủ lực ở chiến trường Bắc Tây Nguyên, Trung Trung bộ vừa tập kết ra miền Bắc. Trong chiến đấu, trên các chiến trường Tây Nguyên, Pleiku… Sư đoàn 305 đã lập được nhiều chiến công quan trọng. Tháng 7-1954, theo lệnh của cấp trên, sư đoàn tập kết ra Bắc, có nhiều đóng góp trong bảo vệ an ninh và phát triển kinh tế. Đến ngày 8-2-1961, Sư đoàn 305 chuyển thành Lữ đoàn nhảy dù.
Ngày 19-3-1967, cán bộ, chiến sĩ đã được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, Nhà nước, Quân đội đến xem Bộ đội Đặc công trình diễn kỹ thuật và công bố thành lập Binh chủng Đặc công. Sự ra đời của đơn vị đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, tạo ra bước ngoặt mới trong lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Đặc công Việt Nam.
Trải qua hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ đội Đặc công đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tuyên dương Binh chủng 2 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân với 16 chữ vàng truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”. Đã có 104 tập thể, 231 cá nhân của lực lượng được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.