Cận cảnh lễ đón chính thức Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thực hiện: VĂN MINH - QUANG PHÚC
Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón. Ngay sau lễ đón, trong Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Vladimir Putin đã chụp ảnh chung và tiến hành hội đàm.
Vào lúc 1 giờ 45 ngày 20-6, chuyên cơ chở Tổng thống Vladimir Putin và đoàn cấp cao Nga hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là lần thứ 5 Tổng thống Vladimir Putin đến thăm Việt Nam.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã có 4 lần thăm Việt Nam, trong đó 2 lần thăm chính thức cấp Nhà nước (vào các năm 2001 và 2013) và 2 lần dự Hội nghị cấp cao APEC diễn ra ở Hà Nội và Đà Nẵng (vào các năm 2006 và 2017), đồng thời có các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga trên tất cả lĩnh vực; đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực hiện thực hóa Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030. Chuyến thăm không chỉ là sự kiện ngoại giao quan trọng mà còn thể hiện sự coi trọng và cam kết của Nga đối với mối quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.
Trả lời báo chí trước thềm chuyến thăm, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi cho biết, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30-1-1950 đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Nga hiện nay luôn vững bền theo năm tháng và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Mặc dù có những thay đổi về thể chế chính trị, nhưng hai nước luôn coi nhau là đối tác, bạn bè quan trọng và hàng đầu. Quan hệ Việt Nam - Nga đã được xây dựng, củng cố qua nhiều thập niên, dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hợp tác bền vững và sự tôn trọng lẫn nhau.
Nhằm tạo khuôn khổ pháp lý mới cho quan hệ giữa Việt Nam và Nga, năm 1994 hai nước đã ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị, trong đó khẳng định quan hệ hữu nghị giữa hai nước được xây dựng trên các nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi dựa trên luật pháp quốc tế.
Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân. Các mục tiêu dài hạn và kế hoạch hành động cụ thể sẽ được đề ra, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của quan hệ song phương trong tương lai. Chuyến thăm này còn là cơ hội để cả hai bên ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương. Những thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố sự gắn kết về mặt chính trị và chiến lược giữa hai nước.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam G.S. Bezdetko khẳng định, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Vladimir Putin nhằm tạo thêm động lực để phát triển quan hệ hợp tác Nga - Việt trong nhiều lĩnh vực. Trọng tâm là tăng cường tương tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế và đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch, trao đổi nhân đạo và tất nhiên là cả quốc phòng và an ninh.
Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Vladimir Putin sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao với các nhà lãnh đạo Việt Nam; đồng thời, cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam tham dự hoạt động ý nghĩa với sự có mặt nhiều cựu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học của Liên Xô và Nga. Sau chuyến thăm, dự kiến hai bên sẽ thông qua Tuyên bố chung; thực hiện ký kết một gói văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, tư pháp, quy chế hải quan, y tế, năng lượng cũng như thông qua các tổ chức khoa học.
Theo Đại sứ G.S. Bezdetko, hơn 3 thập niên qua, quan hệ Nga - Việt được đánh dấu bằng sự mở rộng năng động và đa dạng hóa hợp tác song phương. Trong đó, đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo luôn là cơ hội để tăng cường tin cậy chính trị, đặc biệt trong tình hình hiện nay khi bối cảnh chính trị, kinh tế toàn cầu đang có những thay đổi mạnh mẽ.