Chiều 16-9 tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các nhà khoa học quốc tế và các nhà khoa học đạt giải Nobel sang Việt Nam dự hội thảo “Khoa học, đạo đức và phát triển con người” trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”.
Tham dự, có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) và hơn 50 nhà khoa học trong và ngoài nước.
Hội thảo được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định, từ ngày 13 đến ngày 16-9. Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên minh Nghị viện Thế giới, UBND tỉnh Bình Định và Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam phối hợp tổ chức, để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, đại diện các tổ chức quốc tế thảo luận về mối tương quan giữa khoa học và đạo đức, nền tảng cơ bản cho sự phát triển con người.
Phát biểu tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao chủ đề của hội thảo với những nội dung sát với Tầm nhìn và Chiến lược phát triển của Việt Nam. Đó là sự gắn kết hài hòa giữa khoa học, nền tảng đạo đức và phát triển, với người dân là trung tâm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổng hợp để tham khảo cho việc xây dựng chính sách, công tác điều hành... Chủ tịch nước nêu rõ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đề cao khát vọng Việt Nam xác định “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là nguồn động lực mới, to lớn để đất nước phát triển nhanh, bền vững”. Trong đó, “khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt” cho phát triển công nghiệp hiện đại, tăng trưởng cao, bền vững...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn chú trọng phát triển con người toàn diện, phát huy sức sáng tạo to lớn của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe, nâng cao mức sống của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.
Theo Chủ tịch nước, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc. Những quyết sách của Việt Nam đều hướng đến sự phát triển bền vững. Các ứng dụng khoa học, công nghệ hay phân bổ các nguồn lực, tài nguyên đều không vì tăng trưởng cao mà hạ thấp lợi ích người dân, phá hủy môi trường...
Năm 2021, Việt Nam đã vươn lên trở thành nền kinh tế đang phát triển đứng trong Top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Theo các xếp hạng năm 2021 của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 49/166 về Chỉ số phát triển bền vững-SDG, đứng thứ 115/191 về chỉ số phát triển con người - HDI…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam nỗ lực phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chủ tịch nước mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là từ phía các nhà khoa học tham dự hội thảo lần này.