Chiều 12-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covdi-19, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XIV, ĐBQH khóa XV; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM khóa XV.
Cùng dự có các đồng chí: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc Gia TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Tránh mở cửa rồi lại đóng
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM về những tổn thất mất mát, những đau thương mà TPHCM gánh chịu trong đại dịch. Chủ tịch nước cũng bày tỏ cần có hình thức tưởng niệm đồng bào, đồng chí đã mất trong đại dịch Covid-19 cho phù hợp.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: TPHCM đã vượt qua đỉnh dịch, vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, thử thách nhất. Ảnh: VIỆT DŨNG Chủ tịch nước nhận xét, có thể nói, đến nay TPHCM với một tinh thần đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp, huy động rất nhiều nguồn lực để phòng chống dịch. Kết quả, TPHCM đã vượt qua đỉnh dịch, vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, thử thách nhất.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Thành ủy TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG Đồng tình với điều chỉnh chiến lược từ “không Covid-19” sang thích ứng an toàn với Covid-19, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, cần nhất quán sống chung với Covid-19 trước hết là vaccine và 5K.
Người dân, doanh nghiệp và chính quyền phải thích ứng an toàn trong điều kiện có Covid-19 và kiểm soát tốt dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để phục hồi, phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, chính quyền TPHCM cần tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý rủi ro để xác định, đánh giá, giám sát, giảm thiểu tác động của Covid-19. “Cần quản lý an toàn, chặt chẽ. Nếu không thì rơi vào cảnh mở cửa rồi lại đóng cửa trở lại như một số nước trên thế giới”, Chủ tịch nước cảnh báo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tham dự buổi giám sát. Ảnh: VIỆT DŨNG Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sự thành công, bền vững của kinh tế TPHCM phụ thuộc vào khả năng phục hồi và thích ứng. Chủ tịch nước yêu cầu cần giải quyết hậu quả do đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua, sớm khôi phục kinh tế. Đồng thời, quan tâm đời sống tinh thần người dân vì đại dịch vừa qua không chỉ tác động kinh tế mà tinh thần của một bộ phận không nhỏ người dân hoang mang.
Tìm động lực mới cho tăng trưởng
Trong khôi phục và phát triển kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu ra các nhiệm vụ quan trọng. Trước hết, TPHCM cần tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế chủ yếu được thông suốt đó là lưu thông hàng hóa, di chuyển con người, dịch vụ tài chính tín dụng, nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa. Đồng chí nhấn mạnh, “pháo đài” trong phòng chống dịch không phải là "ngăn sông cấm chợ", gây khó khăn cho lưu thông.
Đồng thời, TPHCM cần khôi phục và phát triển doanh nghiệp, chú trọng đối thoại, nắm bắt khó khăn và hỗ trợ hiệu quả về thuế, tín dụng… cho doanh nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đầu tư công để tạo sức lan tỏa. Chủ tịch nước nêu rõ “cỗ xe tam mã” động lực phát triển TPHCM là xuất khẩu, thị trường nội địa 10 triệu dân và thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.
Trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG Đề cập thực trạng nhiều người lao động muốn về quê và sau một thời gian thăm quê đang muốn trở lại TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo TPHCM phối hợp với các tỉnh nhanh chóng đưa người lao động trở lại làm việc. Thành phố cần sẵn sàng tiêm vaccine 2 mũi, điều kiện về nhà ở, an sinh cho người dân và nhân dịp này cần tăng đào tạo, hỗ trợ, kết nối người lao động với doanh nghiệp.
Trong an sinh xã hội, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần huy động các nguồn lực để chăm lo cho người dân, có giải pháp hỗ trợ “cần câu” cho người lao động và chăm lo sức khỏe tinh thần cho những người bị tổn thương tâm lý vì dịch Covid-19.
Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu TPHCM tập trung tìm ra các động lực mới cho tăng trưởng, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách, tăng chuyển đổi số, có chính sách đào tạo nguồn nhân lực… để phát triển. Cùng với đó, tổ chức lại ngành y tế từ TPHCM đến quận, huyện và y tế cơ sở; củng cố hệ thống y tế cơ sở để làm tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Cần mở rộng phân cấp, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách
Gợi mở hướng phát triển cho TPHCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn TPHCM sẽ trở thành “Hòn ngọc soi sáng Viễn Đông”. Đồng chí cũng nhấn mạnh, sẽ trực tiếp cùng với lãnh đạo TPHCM tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư chiến lược vào huyện Củ Chi – vùng đất cách mạng, giúp vùng đất này phát triển.
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch nước cho rằng, là địa phương bị tác động mạnh nhất của đại dịch Covid-19, lại trải qua thời gian giãn cách xã hội kéo dài nên mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM phải cao hơn mức hỗ trợ chung của cả nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ĐBQH và TPHCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 23% cho TPHCM ngay trong năm 2022 giúp TPHCM có thêm nguồn lực khắc phục khó khăn. Theo Chủ tịch nước, để lại cho TPHCM một đồng thì thành phố sẽ tăng thêm 3-4 đồng cho ngân sách Trung ương. Vì thế, việc điều tiết ngân sách cho TPHCM cũng chính là tăng thêm cho ngân sách quốc gia. |
Sản xuất thiết bị y tế xuất khẩu trên dây chuyền sản xuất hiện đại tại Khu Chế xuất Tân Thuận, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG Đồng thời yêu cầu TPHCM nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị của chính quyền các cấp thông qua mô hình chính quyền đô thị. Chính quyền phải sâu sát với dân hơn, lo cho người dân hơn. TPHCM cần tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Từ đó, đề nghị một Nghị quyết mới, mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho TPHCM, nhất là các lĩnh vực: quy hoạch, tài chính ngân sách, đất đai môi trường và tổ chức bộ máy hành chính.
Một vấn đề quan trọng được Chủ tịch nước đặt ra là nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa TPHCM và các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt là với Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Cần liên kết vùng rõ hơn trong giao thông, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý thêm, TPHCM sớm xây dựng Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực. Đồng thời, nhanh chóng xây dựng chương trình trung hạn phù hợp từ nay đến năm 2025 giúp kinh tế TPHCM lấy lại đà tăng trưởng và tạo sức bật cho các năm sau. “Đây là vấn đề vừa bức xúc vừa rất căn cơ nên TPHCM phải khẩn trương xây dựng, có đề án khoa học, thực tế, hiệu quả để tái cấu trúc và phát triển bền vững”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước chỉ rõ, vấn đề tái cấu trúc, tái phát triển, tái kiến thiết đối với một đô thị như TPHCM sau đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Trong đó, cần phải phát triển hạ tầng, làm nhanh các tuyến đường vành đai. “Tiền ở đâu để làm?”, Chủ tịch nước nêu câu hỏi và gợi mở tiền từ các hoạt động: đấu giá đất sạch, cổ phần hóa doanh nghiệp mạnh mẽ hơn, phát hành trái phiếu TPHCM.
Đánh giá tiềm lực TPHCM còn rất lớn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gợi mở, bên cạnh thành lập TP Thủ Đức thì TPHCM cũng cần phát triển thêm một số thành phố vệ tinh, một đô thị hiện đại thì công nghiệp và dịch vụ cũng phải theo hướng hiện đại.
Lấy sáng tạo làm động lực phát triển Điều đặc biệt, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua chương trình giáo dục, dạy nghề. Chủ tịch nước nhấn mạnh nguồn lao động là rất cần thiết đối với TPHCM và đi liền với nguồn lao động là việc xây dựng hệ thống an sinh hiệu quả, linh hoạt, đúng đối tượng. Tuy nhiên, thay vì để lao động di chuyển, Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM phối hợp với các tỉnh phân bố lại cơ sở sản xuất theo hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất đến gần với thị trường lao động. “Với tư cách là “anh hai Nam bộ”, TPHCM nên chủ động đề xuất cơ chế, chính sách hợp tác, phân công với các địa phương trong vùng để chuyển dịch cơ sở sản xuất đến nơi nguồn lao động dồi dào”, Chủ tịch nước nhấn mạnh. Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sự dịch chuyển này giúp sử dụng lao động địa phương, giảm áp lực quá tải nhiều mặt cho đô thị. Đặc biệt là thêm không gian cho TPHCM thu hút các ngành kinh tế có giá trị cao hơn, nhất là các mô hình kinh tế sáng tạo theo hướng công nghệ cao, các ngành dịch vụ có giá trị. “Hiện nay, lao động giản đơn vào TPHCM quá lớn. Thành phố không còn đất đai để phát triển kinh tế theo chiều rộng nữa”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận xét và yêu cầu TPHCM nên tái cơ cấu, hướng đến kinh tế sáng tạo, lấy sáng tạo là động lực phát triển. |
MẠNH HÒA - VĂN MINH