Chiều 17-3, sau một ngày làm việc, Hội thảo quốc gia “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã bế mạc.
Đi tìm điểm mới, đột phá
Phát biểu tổng kết hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điểm lại, qua 3 hội thảo quốc gia được tổ chức, những vấn đề cốt lõi nhất của xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền đã được đề cập. Đó là vấn đề có nên xây dựng nhà nước pháp quyền hay không; vấn đề cải cách tư pháp; và tại hội thảo này đề xuất hiến kế những vấn đề mới đột phá.
“Những điểm mới, đột phá là điều cần quan tâm chứ không phải sao chép lại những điều mà ai cũng biết”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Theo Chủ tịch nước, các đại biểu đã nhất trí rằng, một chiến lược lớn, có tính bao trùm với tầm nhìn dài hạn nhất thiết phải xác định được đột phá chiến lược cụ thể trong từng giải pháp, từ đó tạo bước tiến mạnh mẽ trong quá trình thực hiện.
Qua một ngày làm việc, với nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, hội thảo đã thống nhất cao, rằng nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu nhà nước mà là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, để bảo đảm bản chất dân chủ của nhà nước.
“Có thể khái quát lại: xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quá trình nhà nước ta thiết lập và vận hành những nguyên lý, đặc trưng phổ quát, tiến bộ của nhà nước pháp quyền hiện đại, mang định hướng xã hội chủ nghĩa, là nhà nước của dân, do dân, vì dân, do Đảng lãnh đạo nhằm mục tiêu phát triển đất nước mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Theo đồng chí, trong thời đại ngày nay, những giá trị tiến bộ của nhà nước pháp quyền đã được thừa nhận rộng rãi và mang lại thành công cho nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã có hơn 10 năm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Cương lĩnh phát triển đất nước năm 2011, Hiến pháp 2013 và đạt những kết quả tích cực.
Từ đó, đồng chí khẳng định, nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là hoàn toàn đúng đắn phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân.
Về quan điểm chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc khái quát lại, việc xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền phải dựa trên tư duy biện chứng, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới, có lộ trình, bước đi phù hợp.
Đột phá trong 3 khâu
Về các đột phá chiến lược, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng để chủ quyền nhân dân, quyền con người, quyền công dân, công bằng, công lý được thực thi thì phải tạo được đột phá trong 3 khâu: xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức quyền lực nhà nước, trong cải cách tư pháp.
Các nội dung đột phá cụ thể cũng chính là những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất tại hội thảo. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc điểm lại các ý kiến này, như đề xuất tăng tính chuyên trách, chuyên nghiệp của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội; hoặc đề xuất củng cố địa vị chính trị - pháp lý, tăng thẩm quyền cho Chủ tịch nước để làm tốt vai trò nguyên thủ quốc gia.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đến năm 2023 tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Hiến pháp để xem xét sửa đổi, trong đó ghi nhận quyền lập hiến thuộc về nhân dân, tức quyền phúc quyết hiến pháp, thành lập thiết chế tài phán, thành lập hội đồng tư pháp quốc gia.
Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp về kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong, giữa các nhánh quyền lực và từ nhân dân. Đồng thời cải cách tư pháp, hành pháp, hành chính; đổi mới sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ lộ trình được các đại biểu thống nhất cao tại hội thảo. Theo đó, từ nay đến năm 2030 tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trong Cương lĩnh phát triển đất nước 2011 và Hiến pháp 2013, đồng thời nghiên cứu những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong Cương lĩnh và Hiến pháp. Từ năm 2030 đến năm 2045 sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ dài hạn của Chiến lược và triển khai những mục tiêu, nhiệm vụ mới theo quy định của Cương lĩnh và Hiến pháp mới.
Nhắc lại ý kiến của cho rằng xây dựng Đề án này cần làm sao không có tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, Chủ tịch nước khẳng định việc xây dựng đề án này yêu cầu sát thực tiễn, đóng góp xây dựng đất nước trong điều kiện hiện nay. “Làm gì tốt hơn, đừng làm gì xấu hơn, ảnh hưởng đến đất nước và đời sống nhân dân”.
Theo Chủ tịch nước, Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có tầm quan trọng đặc biệt. Nhiều ý kiến khẳng định đây là thời cơ rất thuận lợi, với những điều kiện chín muồi để tạo bước tiến mới, đột phá trong đổi mới hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, hướng tới một nền dân chủ, công bằng, công lý, hiện đại, nhân văn…
Về mục tiêu tổng quát, Chủ tịch nước nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 hoàn thiện cơ bản mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo; lấy phát triển con người làm trung tâm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm chủ quyền nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có hiệu lực cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. |