Tại HTX thanh long Mỹ Tịnh An, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao HTX thanh long Mỹ Tịnh An có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, tổ chức liên kết sản xuất tốt, phát triển vùng trồng sản phẩm chủ lực địa phương như thanh long, dừa... Sản phẩm sản xuất với công nghệ tiến bộ, đảm bảo tiêu chuẩn cao, hướng đến xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính theo hướng chính ngạch. Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao Ban quản trị HTX thanh long Mỹ Tịnh An có nhiều thành viên có trình độ và tâm huyết với quê hương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Tiền Giang, cũng như huyện Chợ Gạo tiếp tục quan tâm hỗ trợ các HTX. Đồng thời, đề nghị HTX thanh long Mỹ Tịnh An tiếp tục đẩy mạnh liên kết, mở rộng quy mô sản xuất thêm nhiều sản phẩm chủ lực khác của địa phương, ngoài thanh long như dừa, khóm… có các biện pháp tiêu thụ sản phẩm trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
HTX thanh long Mỹ Tịnh An được thành lập từ năm 2009, đến nay có 250 thành viên, liên kết nông dân sản xuất, tiêu thụ thanh long và một số cây hoa màu chủ lực của địa phương trên diện tích 300ha. Thanh long sản xuất theo quy trình Global Gap, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Quốc. Năm 2020, HTX có doanh thu 50 tỷ đồng, ngoài lợi nhuận 3.000 đồng/kg cho nông dân HTX còn lãi 1,8 tỷ đồng. Doanh thu mỗi thành viên HTX khoảng 300-400 triệu đồng mỗi năm.
Cũng trong sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với tỉnh Tiền Giang về phát triển nông nghiệp của địa phương này.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Tiền Giang là địa phương nằm trong vùng ĐBSCL, vì vậy tính liên kết chặt chẽ giữa Tiền Giang với các tỉnh Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL rất cao. Trong đó, liên kết vùng phải trở thành một tư duy chủ đạo để dẫn dắt sự phát triển của vùng ĐBSCL cũng như tỉnh Tiền Giang. Trước hết, trong quy hoạch phát triển của Tiền Giang phải trên cơ sở quy hoạch phát triển ĐBSCL.
“Ngày 28-2 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL. Đó cũng là cơ sở chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán nhỏ lẻ sang phát triển theo cụm ngành, theo chuỗi sản phẩm và gắn với phát triển các chuỗi đô thị. Phấn đấu đến năm 2030, ĐBSCL phải trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững của quốc gia, sản phẩm của vùng ĐBSCL là thủy sản, trái cây và lúa gạo. Tiền Giang có thế mạnh lớn về trái cây với hơn 82.000ha.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, Tiền Giang là một địa phương có đầy đủ cơ sở, điều kiện và kinh nghiệm để phát triển HTX kiểu mới, kiểu mẫu.
Chủ tịch nước cho rằng: Mặc dù ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng nhiều lĩnh vực tăng trưởng tốt, đặc biệt là liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản khá tốt. Kinh tế tập thể, HTX có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, cần chú trọng nguồn nhân lực, trình độ quản trị của HTX, lợi ích của xã viên, của cộng đồng. Chính quyền địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các HTX trong việc tiếp cận vốn, thị trường. Địa phương muốn phát triển bền vững phải có định hướng cụ thể. Đồng thời, tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, đoàn kết, khắc phục những bất cập để đưa tỉnh Tiền Giang càng ngày càng phát triển.