“Chủ tịch nước sẽ trực tiếp phối hợp với TPHCM và các ngành Trung ương có hoạt động xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi, Hóc Môn để hai huyện có điều kiện tốt hơn trong phát triển, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao…”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Sáng 11-10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi (TPHCM). Tổ ĐBQH gồm các ĐB: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM.
ĐBQH Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM tại buổi tiếp xúc cử tri ở huyện Củ Chi sáng 11-10. Ảnh: VIỆT DŨNG Tham dự buổi tiếp xúc cử tri còn có các đại biểu Trung ương và TPHCM: Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Lê Hoà Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM.
Dự kiến cuối tháng 10 tiêm vaccine cho trẻ em
Thay mặt ĐBQH đơn vị số 10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến cử tri ở 21 xã, thị trấn tại huyện Củ Chi. Đồng thời yêu cầu Đoàn ĐBQH TPHCM tổng hợp đầy đủ các ý kiến cử tri để chuyển tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, Chính phủ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến cử tri ở 21 xã, thị trấn tại huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương huyện Củ Chi là 1 trong 2 quận, huyện (cùng với quận 7) làm tốt công tác phòng chống dịch, sớm kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Số người mắc Covid-19 và số người tử vong trên địa bàn huyện rất thấp. Đặc biệt, huyện Củ Chi đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân phòng chống dịch.
Giờ đây, huyện Củ Chi trở thành huyện “vùng xanh” của TPHCM. Thành tích này là rất lớn, rất đáng trân trọng, khẳng định huyện Củ Chi đã tiếp tục truyền thống cách mạng quý báu và vượt qua khó khăn trong đại dịch. Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui khi bản thân mình được góp một phần nhỏ cùng với người dân huyện Củ Chi trong phòng chống dịch Covid-19.
Chủ tịch nước cũng ghi nhận nỗ lực, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Củ Chi, nơi thực hiện “mục tiêu kép” thành công - không những đưa huyện trở thành huyện “vùng xanh” sớm, mà còn giữ được tốc độ phát triển kinh tế. “Kết quả này có sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi. Đặc biệt, người dân đã có ý thức tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, chung sức đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả trên”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Đề cập đến việc chuyển chiến lược trong phòng chống dịch từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn với Covid-19, theo Chủ tịch nước, đó là bước chuyển phù hợp trong bối cảnh có nhiều ca nhiễm như tại TPHCM và tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 đã đạt 97%, 70% được tiêm chủng mũi 2.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu, cử tri bên lề buổi tiếp xúc cử tri sáng 11-10. Ảnh: VIỆT DŨNG “Với số lượng vaccine được tiêm chủng như vậy, cùng với 5K, chúng ta phải vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy kinh tế - xã hội. Từ đó, giải quyết đời sống, công ăn việc làm, không để TPHCM rơi vào khủng hoảng sâu về kinh tế, ảnh hưởng đời sống công ăn việc làm của người dân thành phố”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và nêu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thích ứng an toàn với Covid-19 thì trước hết vẫn là vaccine và 5K.
Từ đó, Chủ tịch nước đề nghị cử tri huyện Củ Chi đề cao cảnh giác, không được chủ quan; khi vaccine về đến huyện là chủ động tiêm ngay để cơ bản phủ vaccine tới người dân. Về vaccine đối với trẻ em, đồng chí nhấn mạnh, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, giúp trẻ em an toàn đến trường. Chính phủ đã chi gần 3.000 tỷ đồng để mua 20 triệu liều vaccine Pfizer cho trẻ em. Bộ Y tế dự kiến cuối tháng 10-2021, người từ 12-18 tuổi sẽ được tiêm vaccine, từ đó từng bước đưa các học sinh tới trường an toàn, giúp các em giảm học trực tuyến, nhất là em nhỏ tuổi. "Chúng ta có quyền hy vọng trong quý 4-2021, vaccine Pfizer cho trẻ em về tới Việt Nam", Chủ tịch nước bày tỏ.
Quan tâm đầu tư, củng cố y tế cơ sở
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, huyện Củ Chi và TPHCM đã kiểm soát được dịch nhưng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương xung quanh để đảm bảo an toàn về y tế, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá một cách an toàn. Đánh giá sự phối hợp là rất quan trọng, Chủ tịch nước yêu cầu TPHCM chủ động phối hợp với các tỉnh trong vùng lân cận để lưu thông hàng hóa được đảm bảo, phát triển kinh tế một cách an toàn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với cử tri. Ảnh: VIỆT DŨNG Tại buổi tiếp xúc hôm nay cũng như các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề trước đó vào ngày 9-10, nhiều ý kiến cử tri nói về y tế cơ sở. Hiện nay, y tế cơ sở gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, trang biết bị thuốc men, cơ sở vật chất… Trong khi y tế cơ sở là nơi đầu tiên phát hiện, điều trị, hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe người dân phòng chống các loại bệnh nói chung, nhất là phòng chống dịch Covid-19.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ tiếp tục có ý kiến đối với TPHCM và Bộ trưởng Bộ Y tế, đó là cần tiếp tục quan tâm đầu tư, củng cố y tế cơ sở. Đặc biệt, xem xét cơ cấu tổ chức y tế ở cơ sở cho hiệu quả, phù hợp thực tiễn. “Y tế cộng đồng, y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế gia đình là những vấn đề rất lớn của y tế hiện nay, cần được khắc phục để đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân trong bối cảnh hiện nay”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Huyện Củ Chi phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đối với huyện Củ Chi, hiện nay huyện đã là "vùng xanh". Không để lỡ cơ hội phát triển, Chủ tịch nước nhấn mạnh, huyện cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, nỗ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Huyện Củ Chi phải cải cách thủ tục hành chính tốt hơn nữa, tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng, đào tạo người lao động để phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Thay vì sản xuất nông nghiệp thông thường, huyện Củ Chi cần phấn đấu là trung tâm tạo ra giống cây, giống con dựa trên thành tựu khoa học công nghệ. Đi liền với đó, cần tiếp tục phục hồi sản xuất cho hợp tác xã, hộ nông dân, hộ sản xuất khác…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng huyện Củ Chi chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: VIỆT DŨNG Theo Chủ tịch nước, huyện Củ Chi cần rà lại những gì thuộc thẩm quyền của huyện thì sớm triển khai, khắc phục; những gì thuộc thẩm quyền của TPHCM thì báo cáo, đề xuất, sớm giải quyết. Huyện không chỉ là "vùng xanh" kiểm soát tốt dịch bệnh mà còn là nơi phục hồi sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân và doanh nghiệp.
Là huyện có đông diện chính sách, huyện Củ Chi đã chú trọng an sinh xã hội, chăm sóc người có công, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, sau dịch Covid-19, cần quan tâm hơn nữa, sâu sát hơn nữa, giải quyết tốt hơn các nhu cầu của người dân nói chung và diện chính sách có công nói riêng. Huyện cần hỗ trợ tốt hơn người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch tác động.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác tặng huyện Củ Chi 500 túi thuốc điều trị F0. Ảnh: VIỆT DŨNG Đánh giá việc quan tâm phục hồi sau dịch bệnh - cả kinh tế, sinh kế, tâm lý, sức khoẻ của người dân – là rất quan trọng, Chủ tịch nước đề nghị Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Củ Chi nên có buổi họp chuyên đề thảo luận về phục hồi sau dịch để huyện đi trước một bước, phục hồi trở lại trạng thái "bình thường mới".
Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng hoan nghênh ý kiến của lãnh đạo TPHCM trong việc giải quyết các vấn đề quy hoạch như dự án Thảo cầm viên mới và một số vấn đề liên quan đến quy hoạch, giao thông vận tải… Chủ tịch nước yêu cầu, cần bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ sớm các vấn đề này để huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn trở thành điểm phát triển về kinh tế, văn hóa – xã hội.
Dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác tặng huyện Củ Chi 500 túi thuốc điều trị F0, 1.000 hộp yến chưng, 5.000 phần nước cốt dinh dưỡng, 9.000 kính chống giọt bắn, 38.000 mắt kính (tổng trị giá hơn 1,8 tỷ đồng).
Không "ngăn sông cấm chợ" Đề cập đến “pháo đài” chống dịch Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh lại, khi nói xã, phường là “pháo đài” chống dịch là khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của địa bàn cơ sở, đề cao vị trí của đội ngũ cán bộ cơ sở trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. “Pháo đài” không thể hiểu là "ngăn sông cấm chợ", ngăn cản lưu thông hàng hóa và dịch vụ, dịch chuyển lao động. “Nếu không kiểm soát tốt việc này thì mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, ách tắc lưu thông, đứt gãy chuỗi cung ứng”, Chủ tịch nước lưu ý và yêu cầu các tỉnh, các huyện, các xã cần nắm rõ điều này, không để tình trạng "ngăn sông cấm chợ" xảy ra. |
MẠNH HÒA - VĂN MINH